Anh Dũng thao tác kỹ thuật niền mặt trống - một trong những công đoạn được coi là khó nhất
Anh Hoàng Đức Dũng - con trai của cụ Cước nhớ lại: “Tôi thuộc thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề làm trống. Ngay từ thủa lên 10, anh em tôi đã được cha truyền dạy bí quyết làm trống và ngọn lửa yêu nghề.”
Để làm ra được một “quả trống” chất lượng, trước hết, nguyên liệu gỗ phải là loại gỗ mít già, cây có nhiều lõi. Còn da bò để làm mặt trống phải được chọn từ những con bò khỏe mạnh, đã trưởng thành để da đạt độ bền, chắc chắn, dẻo dai.
Bởi vậy, để tìm ra được nguyên liệu ưng ý, anh đã phải lùng sục khắp nơi. Thậm chí đến tận miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa cách xa hàng trăm km để mua nguyên liệu dù giá thành đắt đỏ hơn nhiều.
Da bò để làm mặt trống phải đạt độ bền, chắc chắn, dẻo dai
Sau khi tìm, chọn nguyên liệu ưng ý, người làm bắt tay vào cắt, tạo hình khung trống và bào nhẵn.
“Nếu tạo hình không đều, thiếu cân xứng giữa khung trống và hai đầu trống, âm thanh khi đánh sẽ không vang. Đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ những người lành nghề mới làm được. Điều quan trọng nhất của một cái trống là phải phát ra âm thanh to, vang và đều tiếng. Tôi phải mất hàng năm trời mới học được bí quyết này từ người cha truyền lại” - anh Dũng “bật mí” thêm.
Tạo hình khung trống là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao.
Kinh nghiệm, kĩ năng người làm nghề được hình thành từ những công việc giản đơn như cắt, bào nguyên liệu đến những thao tác khó hơn như tạo hình, làm khuôn, niền mặt trống.
Thành thạo những công đoạn này phải là người kiên trì mới làm được. Hơn nữa muốn có sản phẩm chất lượng, đạt thẩm mỹ cao, người làm trống phải thực sự yêu nghề, gửi gắm vào sản phẩm của mình cả sự say mê, tâm huyết.
Anh Hoàng Đức Dung - em trai anh Dũng: Đây là nghề gia truyền của gia đình đến nay hơn 100 năm. Bởi vậy, trách nhiệm của chúng tôi là phải giữ nghề và truyền lại cho con cháu trong dòng họ.
Cũng bởi nghề gia truyền nên cơ sở Dũng - Dung không tiếp nhận những người “ngoại đạo”. Nghĩa là, chỉ những người họ hàng thật gần mới được nhận vào làm việc tại cơ sở.
Nhưng chỉ những người thực sự đam mê, khéo tay mới tiếp cận được với bí quyết để tạo ra những “con trống” thu hút khách hàng. Hiện cơ sở trống Dũng – Dũng có 9 lao động thường nhật, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6 – 8 triệu đồng/người.
Trống to dành cho nhà thờ, làm từ loại gỗ và da tốt có giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Có rất nhiều loại trống như trống sấm, trống trung, trống tiểu, trống ếch... tại cơ sở sản xuất trống Dũng – Dung. Giá trị của trống cũng phụ thuộc vào từng chủng loại. Trống to dành cho nhà thờ, làm từ gỗ và da tốt có giá lên đến hàng chục triệu đồng; trống bình dân dành cho các trường học dao động trong khoảng 500 ngàn đến vài triệu đồng.
Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất 700 – 800 trống các loại, cộng với nghề sửa chữa, doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.
Anh Dũng quan niệm: “Xã hội có văn minh đến đâu, thì trong tâm thức mỗi con người Việt Nam, tiếng kèn hiệu, tiếng loa, tiếng tù và, tiếng trống vẫn sống mãi. Bởi vậy, dù có khó khăn đến đâu cũng không thể để nghề bị mai một”.
Hiện cơ sở sản xuất trống Dũng - Dung có rất nhiều loại trống như trống sấm, trống trung, trống tiểu, trống ếch... phục vụ mọi khách hàng.
"Nghề làm trống đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ. Quan trọng nhất là giữ chữ “Tín” đối với khách hàng. Ông cha chúng tôi đã xây dựng được uy tín đối với trống Xuân Yên, trách nhiệm của chúng tôi là giữ được thương hiệu này và truyền lại cho các thế hệ về sau” - anh Dũng nói thêm.
Chủ tịch UBND xã Trần Anh Khoa cho biết: “Trước đây, xã Xuân Yên có khoảng 20 hộ gia đình làm nghề này nhưng giờ chỉ còn cơ sở Dũng - Dung của 3 chị em ông Dũng, ông Dung và bà Vân. Đây là cơ sở làm nghề gia truyền có uy tín nên rất nhiều khách hàng đến đặt mua. Tổ hợp sản xuất trống Dũng - Dung còn tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương”.