Ngư dân Hà Tĩnh luôn mặn mòi với biển
Sự bí ẩn tiềm tàng của biển khiến thi sĩ mộng mơ Xuân Quỳnh đã thốt lên câu hỏi rất hồn nhiên “Sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu?”. Bắt đầu từ đâu, mà giọt mưa nguồn hành trình ra sông, lại trôi về biển cả? Bắt đầu từ đâu mà giọt nước lại hóa thành đại dương, thành sức mạnh trường tồn của biển, thành kho báu, thành tình yêu, để cậu bé nằm trong vành nôi ngủ thiếp đi trong lời ru êm ái của mẹ, mơ về “con cá lạ”, mơ thấy “đại dương xanh nằm cạnh góc ao làng”. Bắt đầu từ đâu con người yêu biển? Bắt đầu từ đâu biển trở thành máu thịt, biển hóa tâm hồn dào dạt nhạc và thơ?
Việt Nam, đất nước bên bờ sóng, đất nước trải dài hơn ba ngàn cây số biển. Với sự mênh mông ấy, suốt cuộc đời ta chưa đi hết chiều dài, chưa băng qua hết chiều rộng, chưa thể nào khám phá hết sự phong phú sâu thẳm dưới lòng đại dương...
Từ thuở hồng hoang, đại dương đã tạo nên những sinh vật lạ kỳ đủ màu, đủ cá tính. Động vật biển cũng phong phú như động vật rừng, có loài hiền, loài dữ. Và trong cuộc giao tranh để sinh tồn ấy, mỗi con vật sinh ra đều có vũ khí để biết tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng loại mình.
Từ thuở hồng hoang, biển đã tạo nên “thế giới thần tiên” với những thảm thực vật đa dạng, nhiều rong rêu, cây lá. Ngôi nhà thân thuộc của muôn loài được biển kiến tạo nên bởi những rừng san hô trắng, những rừng san hô đỏ. Biển kiến tạo nên những hang động ngầm, những hòn đảo nổi. Không biết có bao nhiêu loài chim di trú trên những hòn đảo nổi Việt Nam, chỉ biết rằng, mỗi lần có cánh chim bay về, đảo như đẹp hơn lên, đầm ấm hơn lên.
Nối vòng tay biển
Tiếng gọi bạn của các loài chim muôn đời là bản tình ca du dương của biển. Đã bao nhiêu mùa chim yến bay vào đảo làm tổ, bao nhiêu mùa dưới đáy biển loài trai lại “nhả ngọc, phun châu”... Những thức ăn bổ dưỡng, những trang sức đẹp nhất, biển đều dành tặng con người. Biển dành cho người, quý hóa nhất từ con tôm, con cá, con mực trong bữa ăn hàng ngày... đến cả tài nguyên lớn lao nhất như dầu, sắt, nhôm, thiếc và bao nhiêu nguồn quặng khác nữa...
Con người Việt Nam, từ hàng trăm năm trước đã biết đóng thuyền gỗ, dong cột buồm cưỡi sóng ra khơi. Rồi nghề đan lưới, nghề uốn lưỡi câu, làm nước mắm với những dịch vụ sát cánh cùng ngư dân cũng được hình thành từ đấy. Sự sinh tồn và phát triển của quốc gia, dân tộc đều biến đổi theo tiến trình lịch sử thì nghề đi biển của ngư dân cũng biến đổi theo. Trước sóng gió, triều cường, bão tố, con người đã dũng cảm và sáng tạo để chinh phục biển khơi, khai thác hải sản và khoáng sản từ biển.
Khi tri thức và công nghệ khoa học ngày càng phát triển, kho báu đại dương ngày càng được mở mang. Biển đã làm giàu cho con người, làm giàu cho quê hương, làm giàu cho Tổ quốc. Ngày nay, biển đã hội tụ những con tàu đánh bắt cá xa bờ được đầu tư hàng chục tỷ đồng với sức khỏe của “hàng trăm con tuấn mã”, mỗi chuyến ra khơi thu về hàng chục tấn cá. Nhờ có biển, nguồn hải sản vô tận và nguồn tài nguyên quý hiếm đã trở thành điểm tựa cho Việt Nam cất cánh.
Con đường biển mênh mông, rộng dài hàng trăm, hàng ngàn hải lý nhưng trên những chuyến tàu vượt trùng dương ấy, biển đã xích lại rất gần, gần cả khoảng cách, gần cả thời gian, để Việt Nam mạnh lên từ sự giao thương trên biển. Ở đâu trên dải đất hình chữ S này có biển, ở đấy có bờ. Bờ cát ấy sớm lại chiều con tiễn đưa cha, vợ tiễn đưa chồng cưỡi thuyền lướt sóng ra khơi. Họ cầu mong cho trời yên, biển lặng, họ cầu mong cho cá bạc đầy khoang. Làng biển bốn mùa vui, bốn mùa thơm phức mùi cá nướng. Ai đã từng nếm nước mắm Phan Thiết, thưởng thức tôm hùm Nha Trang, mực một nắng Côn Đảo mới biết được dư vị biển mặn mòi đến nhường nào?
Biển Việt Nam còn là một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới. Không chỉ có Vịnh Hạ Long, Phú Quốc, Vũng Tàu mà xứ sở miền Trung cũng có những địa chỉ du lịch hấp dẫn với những đặc sản biển tuyệt vời như Cửa Lò (Nghệ An); Xuân Thành, Thiên Cầm, Mũi Đao (Hà Tĩnh). Khúc ruột miền Trung, dẫu có bị sự cố thảm họa môi trường, nhưng chỉ sau một năm, vết thương đã lành cho da thịt biển xanh lại, cho gương mặt biển sáng lại. Hàng trăm con thuyền lại tiếp tục vươn khơi, làng biển lại đầm ấm, du khách muôn nơi lại nô nức tìm về...
Càng thiết tha yêu biển, con người Việt Nam càng dũng cảm đứng lên chiến đấu để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu. Bay qua không gian, vượt suốt thời gian, hàng triệu trái tim vẫn đồng vọng tiếng nói Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển... Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó...”.
Mỗi lần nhắc tới biển, ta sờ lên ngực mình thấy Tổ quốc thiêng liêng và không ai không nhớ tới Trường Sa, nhớ tới những người lính đang ngày đêm canh giữ quần đảo này. Những người lính Trường Sa như cây phong ba đứng trên đầu sóng. Tổ quốc nhìn từ biển. Biển - Tổ quốc - Mẹ hiền đang vẫy gọi anh, vẫy gọi chúng ta!