Một phụ nữ vẽ lên trên bức tường tưởng niệm những bệnh nhân mất vì COVID-19 tại London, Anh
Một lần nữa, thế giới lại đang phải trải qua một mùa lễ hội cuối năm bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhiễm trùng COVID-19. Năm ngoái, Giáng sinh và Năm mới bị phá hỏng bởi sự xuất hiện của biến thể Alpha. Năm nay, Omicron khiến các ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Hàng loạt quốc gia ở châu Âu, Mỹ hủy bỏ hoặc hạn chế hoạt động của các lễ hội Giáng sinh khiến đất nước đứng trước một năm mới ảm đạm.
Kịch bản làm dấy lên lo ngại rằng liệu những lễ hội Giáng sinh và năm mới trong những năm kế tiếp cũng sẽ vậy hay không. Các hạn chế xã hội, các mối đe dọa về giãn cách có thể trở nên thường xuyên.
Nhưng điều đó có trở thành thực tế hay không? Liệu có hợp lý khi cho rằng có những điểm tương đồng giữa Giáng sinh năm nay và năm ngoái không? Đây là những câu hỏi quan trọng bởi vì, khi cố gắng trả lời chúng, chúng ta có thể tìm ra manh mối về con đường có thể xảy ra của toàn bộ đại dịch.
Sự tương đồng
Thoạt nhìn, sự bùng phát dịch cuối năm nay và năm ngoái giống nhau một cách đáng kinh ngạc, với số ca mắc mới tăng nhanh chỉ trong vài tuần ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, số trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 vào năm nay lại thấp hơn nhiều, với các nghiên cứu mới nhất cho thấy biến thể mới Omicron dường như gây ra ít trường hợp bệnh nặng hơn so với các phiên bản tiền nhiệm của nó.
Các nhà khoa học coi kết quả này là một tin tốt nhưng vẫn đưa ra lời khuyên thận trọng. Bởi số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang tăng mạnh, thậm chí còn đạt mức kỷ lục ở một số quốc gia như Anh…
Điều quan trọng là, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 mới năm nay đều xảy ra ở những người trẻ tuổi, điều này khiến một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nếu Omicron bắt đầu ảnh hưởng đến những người lớn tuổi - dễ bị tổn thương hơn - số lượng nhập viện có thể tăng lên. Tuy nhiên, hiện một số lượng lớn người - đặc biệt là người cao tuổi - đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, họ có được sự bảo vệ đáng kể chống lại Omicron.
Hiện tại, dữ liệu về biến thể Omicron vẫn đang được thu thập và còn quá sớm để chắc chắn. Giáo sư Mark Woolhouse của Đại học Edinburgh (Anh) cho biết: “Chắc chắn có sự chênh lệch giữa nhiễm trùng và nhập viện. Vì vậy, trong khi chờ đợi dữ liệu chính xác, các quyết định chính sách phải được đưa ra và điều đó không đơn giản”.
Coronavirus có khả năng bị mất sức mạnh gây bệnh nặng hay không?
Nhiều nhà khoa học tin rằng ý tưởng này có thể đúng. Các nghiên cứu gần đây ở Scotland, Anh và Nam Phi đều chỉ ra hướng này. Tiến sĩ Julian Tang, Giáo sư Khoa học Hô hấp tại Đại học Leicester (Anh) cho biết: “Tôi nghĩ rằng biến thể này là bước đầu tiên trong quá trình virus thích nghi với cơ thể người để tạo ra các triệu chứng lành tính hơn. Theo một nghĩa nào đó, virus sẽ ảnh hưởng đến mọi người khiến người bị nhiễm virus không quá ốm, sau đó họ có thể đi lại và hòa nhập trong xã hội và lây lan virus nhiều hơn, dần dần biến virus thành virus lành tính.”
COVID-19 có kết thúc hoạt động như bệnh cúm không?
Một số quan chức y tế dự đoán rằng COVID-19 cuối cùng có thể hoạt động giống như bệnh cúm, điều này cần một loại vaccine mới để đối phó với các chủng mới xuất hiện hàng năm. Giáo sư Martin Hibberd, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, lập luận rằng: “Loại virus này có vẻ giống với những loại virus gây cảm lạnh thông thường hơn. Nói cách khác, chúng ta có thể vẫn cần nghĩ đến việc tiêm vaccine để bảo vệ chống lại COVID-19 hàng năm vì khả năng miễn dịch không đối phó kịp với sự phát triển của virus.”.