Biển xâm thực, dân Thạch Bằng mong sớm có đê chắn sóng

(Baohatinh.vn) - Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) là xã biển cửa có nguy cơ bị biển xâm thực rất cao. Trong khi các xã có chung điều kiện tự nhiên như: Thạch Châu, Thạch Kim đã có tuyến đê tả ngạn sông Nghèn khá vững chắc, thì Thạch Bằng vẫn chưa có đê chắn sóng, khiến hàng trăm hộ dân thường xuyên phải chịu cảnh ngập nước mỗi khi mưa lũ hoặc triều cường.

bien xam thuc dan thach bang mong som co de chan song

Tuyến đê bao bị nước lũ phá vỡ nhiều đoạn xung yếu.

Bao nhiêu năm tham gia nuôi trồng thủy sản (NTTS), dù phải chống chọi với nhiều khó khăn do thiên tai gây ra, nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Thực cũng như hàng chục hộ nuôi trồng ở các thôn Xuân Hòa, Phú Nghĩa, Trung Nghĩa lại phải đối mặt với nhiều thử thách do thiên tai như một vài năm trở lại đây.

Người ít thì khoảng 1 - 2 ha, người nhiều cũng trên 5 ha ao nuôi, đổ ra bao nhiêu tiền của, công sức, chỉ sau một trận lũ hoặc triều cường là trắng tay. Chỉ tính riêng trong vụ nuôi hè thu 2017, cơn bão số 10 và trận áp thấp nhiệt đới trong tháng 9, 10 đã xóa sổ hàng chục ha NTTS các loại, ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

“Không chỉ bây giờ người NTTS ở đây mới phải trầy trật chống chọi với thiên tai, nhưng như những sự cố trong thời gian qua, thì chúng tôi cảm thấy quá bất an và trước mắt không dám đầu tư để nuôi lại nữa” - ông Trần Văn Thực (thôn Xuân Hòa) bày tỏ.

Không chỉ lấy đi thành quả lao động của người NTTS ở ngay cạnh bờ biển, mà hàng trăm hộ dân của các thôn vùng ven như: Xuân Hòa, Phú Nghĩa, Trung Nghĩa… cũng thường xuyên phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường. Đê chính không có, lâu nay, con đê bao được đắp tạm thời để hạn chế sự xâm thực của nước biển, bảo vệ khu vực ao hồ NTTS và cuộc sống của người dân ven bờ. Con đê này vốn đã nhỏ yếu, xuống cấp, qua nhiều lần vá víu tạm bợ, nay lại bị nước lũ phá vỡ nhiều đoạn xung yếu nên gần như không còn chức năng bảo vệ người dân.

“Trước đây, tuyến đê tạm chưa bị sạt lở thì còn đỡ hơn. Còn bây giờ, khi đê bị hỏng thì gần như nước vào nhà thường xuyên, có khi mưa không đáng kể nhưng có triều cường là nước đã ngấp nghé thềm nhà” - chị Phạm Thị Trâm (thôn Xuân Hòa) than thở.

Theo chân Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng Nguyễn Duy Bính, chúng tôi có mặt tại điểm “cụt” của tuyến đê tả ngạn sông Nghèn (đây cũng là điểm tiếp giáp giữa xã Thạch Châu và xã Thạch Bằng). Theo ông Bính, tính riêng trên địa bàn Lộc Hà, đúng ra tuyến đê này phải chạy liên tục theo bờ biển các xã: Hộ Độ, Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Kim… Nhưng không hiểu vì sao, nó lại bị gián đoạn tại địa bàn của xã Thạch Bằng (khoảng hơn 1,6 km), trong khi đây lại là một trong những điểm xung yếu nhất, nguy cơ ngập úng và xâm thực của biển là rất cao.

“Được biết, trong năm 2017, đoạn đê “khuyết” này đã được tỉnh phê duyệt xây dựng từ nguồn vốn ODA. Đây là một tin vui đối với chính quyền và người dân xã Thạch Bằng. Tuy nhiên, trong khi chờ dự án trở thành hiện thực, chúng tôi vẫn rất mong có sự hỗ trợ tích cực để khôi phục lại tuyến đê tạm, nhằm đảm bảo sản xuất và đời sống của người dân vùng ven biển” - Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng Nguyễn Duy Bính cho biết.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.