Đã 5 năm nay, xã Thiên Lộc vắng bóng nữ công chức văn hóa - thông tin vì công chức này được biệt phái về làm việc tại UBND huyện Can Lộc. Để bù đắp khoảng trống này, UBND xã đã cử bí thư đoàn xã kiêm công việc văn hóa, nhưng không được hưởng phụ cấp. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo xã đã thẳng thắn: Giai đoạn làm nông thôn mới, xã thật sự cần cán bộ, công chức nên đã trao đổi với huyện nhưng huyện thiếu người làm. Năm 2017, huyện “trả” công chức này cho địa phương nhưng sau đó, huyện làm việc và xin cho biệt phái tiếp vì UBND huyện không đủ người làm, thiếu người thạo việc mảng thi đua khen thưởng.
Vượng Lộc cũng có 1 công chức biệt phái làm nhiệm vụ ở UBND huyện Can Lộc
Tương tự Thiên Lộc, xã Vượng Lộc có nam công chức văn phòng thống kê được điều động biệt phái tại UBND huyện Can Lộc. Đáng nói, công chức này, khi trúng tuyển công chức cấp xã năm 2012 đến năm 2017 vẫn chưa làm việc tại xã Vượng Lộc vì nhu cầu công việc của UBND huyện. Hiện, công chức này đang đi học ở Hà Nội. Được biết, định biên được giao của vị trí văn phòng – thống kê xã Vượng Lộc là 2 công chức. Lâu nay, nhiệm vụ này đang do một công chức nữ đảm nhiệm nên hết sức vất vả.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thái - Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc cho hay: “Để ưu tiên nhiệm vụ chính trị cho các địa phương, huyện đã biệt phái một số cán bộ về đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở xã, ngay cả trưởng phòng nội vụ huyện cũng biệt phái về cơ sở. Vì vậy, cán bộ chuyên môn một số phòng phải “căng” thời gian để làm việc, nếu không muốn nói là thiếu người làm”.
Theo tìm hiểu thực tế tại huyện Can Lộc ,Hà Tĩnh điều ông Thái nói là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, định biên được giao của UBND huyện Can Lộc là 94, trong đó có 6 cán bộ, công chức biệt phái đi cơ sở giữ chức vụ lãnh đạo nhưng vẫn hưởng lương, chế độ tại huyện (thị trấn Nghèn, Thường Nga, Yên Lộc, Đồng Lộc, Vĩnh Lộc, Xuân Lộc). Cùng với đó, 4 biên chế chuyên trách HĐND huyện cũng nằm trong tổng số 94 định biên được giao.
Thạch Hà cũng là huyện ưu tiên nguồn nhân lực cho cơ sở, nhất là nhiều năm gần đây. Tại những xã khó khăn, nguồn cán bộ không đáp ứng nhu cầu, huyện đã điều động lãnh đạo ban, phòng, ngành về giữ cương vị lãnh đạo như tại Thạch Khê, Thạch Thanh, Việt Xuyên, Phù Việt, Thạch Hương, Thạch Ngọc, thị trấn Thạch Hà (trước đó có Thạch Bàn, Thạch Long...).
Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Hà Phạm Nam Anh được biệt phái về Việt Xuyên giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đến thăm hỏi, động viên chủ mô hình làm bánh đa trên địa bàn xã.
Theo tìm hiểu, biên chế được giao cho UBND huyện Thạch Hà là 99, trong đó vẫn còn vị trí của các đồng chí được biệt phái. Bởi vậy, đội ngũ công chức làm việc chuyên môn tại huyện giảm, công việc ngày càng áp lực. Có những phòng chuyên môn, hiện Chủ tịch UBND huyện giao phó phòng phụ trách, vì trưởng phòng phải đi biệt phái. Tại Phòng NN&PTNT hiện còn thiếu chuyên trách thủy sản do cán bộ phụ trách thủy sản phải đi biệt phái ở cơ sở. Để trôi chảy công việc tại các phòng chuyên môn, một số công chức xã đã được điều động biệt phái lên huyện. Vậy là, vị trí công việc cụ thể của xã sẽ bị ảnh hưởng.
Luân chuyển, biệt phái cán bộ là chủ trương đúng và đã phát huy hiệu quả rõ nét ở nhiều nơi. Thế nhưng, từ thực tiễn công việc và một số bất cập của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cấp cần quan tâm thực hiện tốt chủ trương điều động cán bộ trở lại khi đủ thời gian quy định, để đảm bảo việc của tất cả các cơ quan được thực hiện trôi chảy, theo đúng vị trí việc làm.