Giáo viên Hà Nội giảng dạy trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN
Liên quan đến việc giảm tải về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trả lời tại họp báo định kỳ chiều 19/3, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, vừa qua Bộ Giáo dục đã ban hành 4 thông tư về tiêu chuẩn đối với giáo viên mầm non và phổ thông các cấp, trong đó không quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, Bộ Nội vụ đã kịp thời có ý kiến để sửa các quy định yêu cầu chứng chỉ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong các thông tư về tiêu chuẩn là đúng đắn
Hiện nay, trong các quy định về tiêu chuẩn công chức, viên chức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý, bảo vệ rừng, trong đó cũng không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Theo lĩnh vực ngạch công chức, viên chức chuyên ngành quản lý, Bộ Nội vụ đã xây dựng thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp xong, đang trong quá trình thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ sớm ban hành.
“Phải khẳng định rằng, chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong các thông tư về tiêu chuẩn là phù hợp, là chủ trương đúng đắn và tạo sự đồng thuận. Khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương ủng hộ rất cao. Tuy nhiên, bỏ quy định này không có nghĩa là không cần ngoại ngữ, tin học nữa. Đây là quy định về năng lực. Thủ tướng đã có quyết định về chương trình đào tạo ngoại ngữ quốc gia, chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tùy yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan sử dụng trong thực tế vẫn phải có”, ông Trương Hải Long cho hay.
Ông Trương Hải Long cũng khẳng định, tuy không nộp chứng chỉ, nhưng trong quá trình tổ chức thi hoặc sử dụng công chức, viên chức, sẽ có biện pháp tổ chức thi hoặc sát hạch để đảm bảo trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Thẩm quyền quy định tiêu chuẩn công chức, viên chức đã được phân cho các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ sẽ sớm tổ chức các cuộc họp, phối hợp với các bộ quản lý công chức chuyên ngành đưa ra ý tưởng sửa đổi, bổ sung tương tự, đảm bảo đồng bộ và công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, giảm tải trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Trương Hải Long, Bộ Nội vụ cũng sẽ sớm làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về các tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên. Theo quy định trước đây, phóng viên, biên tập viên phải qua thi mới được thăng hạng. Triển khai quy định mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, hướng tới giảm bớt các thủ tục thi cử phiền hà, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung thêm hình thức xét thăng hạng với các ngạch viên chức chuyên ngành. Bộ Nội vụ sẽ sớm thống nhất để Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư này.
Về việc có bỏ chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không, ông Trương Hải Long cho biết, Luật Viên chức có quy định viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Việc đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức có thể được thực hiện trước khi bổ nhiệm (đào tạo theo chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoặc khi thay đổi chức danh nghề nghiệp (đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) hoặc đào tạo để bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp (đào tạo theo vị trí việc làm).
Triển khai Luật Viên chức, Nghị định 18 trước đây và Nghị định 101 sau này về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định chung, không quy định chức danh nghề nghiệp hoặc ngạch công chức nào phải có chứng chỉ bồi dưỡng. Trong chùm thông tư cũ của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số chức danh nghề nghiệp trước đây không quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhưng đến thông tư mới lại có quy định là phải học, dẫn đến có cách hiểu chưa thống nhất, khiến giáo viên tâm tư, lo lắng.
Đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, năm 2019, Quốc hội sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có nhiều điểm mới. Trên tinh thần của luật mới, Chính phủ ban hành hai nghị định về vị trí việc làm đối với công chức và viên chức, quy định rõ bảng mô tả công việc, xác định khung năng lực… Nghị định cũng phân cấp thẩm quyền cho Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể vị trí việc làm và mô tả, xác định khung năng lực.
“Đối với giáo viên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm việc này và đương nhiên phải thống nhất với Bộ Nội vụ”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Ông yêu cầu các vụ của Bộ, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả nghị định, thông tư phải có nội dung quy định điều khoản chuyển tiếp cụ thể, áp dụng từ nay trở đi với cái gì, ra làm sao, với những người cũ hướng xử lý như thế nào… Bởi, tất cả những phản ánh hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp.
Nêu ví dụ “Một chuyên viên cao cấp, chẳng may thiếu chứng chỉ chuyên viên chính mà bắt họ học lại chuyên viên chính thì không thực tiễn”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng lưu ý phải có quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành quy định chứ không phải “hồi tố”. Các văn bản hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là rà soát tổng thể các chứng chỉ để xác định chứng chỉ nào dùng để bổ nhiệm, nâng ngạch, chứng chỉ nào mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn với nghĩa cập nhật kiến thức; cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích, Thứ trưởng Nội vụ đề nghị Vụ Công chức, viên chức khi sửa thông tư quy định về công chức hành chính và lưu trữ phải rà soát lại. Công chức chuyên ngành của các bộ như thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng, thanh tra cũng tổng rà soát toàn bộ. Khi xây dựng các văn bản, cố gắng rà soát lại trên tinh thần phân cấp toàn diện.
“Nghị định 99/2012 của Chính phủ (về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp) đã phân cấp rất cụ thể, rất mạnh. Đã phân cấp rồi thì bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm. Như tiêu chuẩn của giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì, chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ chỉ tham gia để đảm bảo thống nhất chung”, Thứ trưởng Nội vụ khẳng định.
Vị lãnh đạo này cũng đề nghị sửa Nghị định 101/2017/NĐ-CP (về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức) đảm bảo tính liên thông thống nhất với vị trí việc làm, các yêu cầu nội dung của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ (về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) và Nghị định 62/2020/NĐ-CP (về vị trí việc làm và biên chế công chức), trên cơ sở Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 để đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
“Nếu theo tư duy cũ của chế độ chức nghiệp năm 1993 thì không theo thực tiễn, hiện nay ta đang hỗn hợp giữa chức nghiệp và vị trí việc làm chứ không phải hoàn toàn theo vị trí việc làm”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay.