Theo Bộ GD&ĐT, nhằm đổi mới nội dung và hình thức tổ chức giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát thực trạng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh đang được tổ chức.
Việc rà soát này, nhằm loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực cho giáo viên và các nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiến hành rà soát, báo cáo Bộ GD&ĐT về các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay, làm rõ ưu điểm và hạn chế, cũng như khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi này, đồng thời đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới.
Thi giải Toán trên mạng được nhiều người ủng hộ nhưng lại tạo tâm lý ganh đua của phụ huynh
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, thời gian qua, có một số cuộc thi tạo hứng khởi cho học sinh phổ thông, tạo sân chơi để các em luyện tập và giải trí sau giờ học. Tuy nhiên, có rất nhiều phụ huynh, thầy cô do ham mê thành tích đã ép con cái và một số cuộc thi trên mạng bị biến thành cuộc “chạy” việt dã.
Chẳng hạn cuộc thi “Chinh phục vũ môn”, được coi là sân chơi dành cho học sinh phổ thông nhằm giúp các em nâng cao kiến thức xã hội và được nhiều học sinh hoan nghênh. Tuy nhiên, do sự trùng khớp giữa tên miền của cuộc thi và việc quảng bá cho một phần game có tên tương tự, đã khiến một số phụ huynh lo lắng trong việc kiểm soát con em. Ngay sau đó, Trung ương Đoàn TNCS HCM- đơn vị chủ trì cuộc thi đã chính thức quyết định tạm dừng để rà soát và rút kinh nghiệm.
Mới đây nhất, tâm sự của độc giả có tên Le Dung trên mạng xã hội về cuộc thi Violympic (giải toán trên mạng) đã bị chính phụ huynh đẩy thành cuộc chạy đua "việt dã" đối với học sinh tiểu học khiến nhiều người không khỏi giật mình.
“Một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, sau vài chục lần làm đi làm lại, kết quả đó chỉ còn khoảng 10 phút. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo không? Hoàn toàn không, đó là thành tích, kiểu thuần Việt. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng thành thục càng nhanh”, phụ huynh này viết.
Lý giải về điều này, một số độc giả cho biết, do tâm lý ganh đua giữa các phụ huynh và học sinh, dẫn đến việc luyện thi cấp tập, tạo áp lực cho bản thân học sinh và cả phụ huynh. Do đó, tốt nhất để học sinh vừa chơi vừa học, không nên tạo áp lực thành tích.
Một giáo viên cho hay: “Phải làm thế nào giờ? Học sinh của em giữa lúc thi học kỳ vẫn phải về luyện đủ 10 vòng Toán, 6 vòng Vật Lý, 6 vòng Toán tiếng Anh để kịp thi cấp trường. Vào thi cấp trường, cấp quận thì không sao nhưng kết quả lại tính vào thi đua của lớp, của trường. Mệt mỏi quá ạ. Khổ thân các con”.
Trao đổi quan điểm về cuộc thi giải Toán trên mạng, PGS Chu Cẩm Thơ, Phó Chủ nhiệm bộ môn Phương Pháp dạy học, khoa Toán-Tin trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, chị đã từng biết đến một học sinh phải lập đến 28 nick để luyện thi. Vì thế, chị mong muốn phụ huynh có lựa chọn đúng đắn cho con khi giáo dục chúng.
“Các cô giáo hãy hình dung cũng như bữa ăn, nếu chỉ coi cơm là món chính, chúng ta ăn 3-4 bốn bát/ bữa. Từ khi có nhiều món ăn, chúng ta có thể ăn nửa bát, còn lại ăn nhiều món khác. Gạo không phải là lương thực duy nhất”, PGS Thơ chia sẻ.
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã chính thức có công văn yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ các cuộc thi liên quan đến học sinh phổ thông, quan điểm của Bộ: Không để các cuộc thi ảnh hưởng đến việc dạy và học.