Binh sỹ Sri Lanka gác tại Phủ Tổng thống ở Colombo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Sri Lanka thông báo sẽ giảm đáng kể quy mô các lực lượng vũ trang, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 7 thập kỷ.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã tăng thuế và mạnh tay cắt giảm chi tiêu công để nước này được nhận gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế sau khi chính phủ vỡ nợ.
Các lực lượng vũ trang của Sri Lanka là đối tượng tiếp theo bị cắt giảm, khi Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ cho 65.000 binh sỹ giải ngũ trong năm nay.
Quân số quân đội Sri Lanka hiện là 200.000 người.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cũng đã đề ra mục tiêu giảm lực lượng bộ binh xuống còn 100.000 người vào cuối thập kỷ này.
Mục đích của kế hoạch chiến lược chi tiết này là xây dựng một lực lượng phòng thủ với sự cân bằng về kỹ thuật và chiến thuật.
Quy mô lực lượng vũ trang của Sri Lanka gia tăng đáng kể trong hơn 1 thập kỷ kể từ khi nội chiến kết thúc.
Gần 400.000 người đã phục vụ trong quân đội vào năm cao điểm 2009.
Năm 2022, chi tiêu quốc phòng chiếm gần 10% chi tiêu của chính phủ.
Tuần vừa qua, giới chức Sri Lanka cho biết họ gần như không đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho công chức và người nghỉ hưu dù chính phủ đã phải áp dụng biện pháp gia tăng thuế hồi đầu năm.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này suy giảm tới 8,7% trong năm ngoái.
Nền kinh tế thiếu hụt trầm trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và thuốc men do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, trong khi đồng nội tệ rupee lao dốc và lạm phát phi mã.