Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH

Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,19%.

Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 93,19% số phiếu tán thành. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2 , Quốc hội khóa XV , sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,19%.

Giảm dần tỷ trọng nợ thuế, tăng thu ngân sách nhà nước

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết ước thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 1,7% dự toán, song số vượt thu chủ yếu từ đất (29,2 nghìn tỷ đồng) và dầu thô (12 nghìn tỷ đồng); nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì thu nội địa chỉ đạt 97% dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết kết quả thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 ước đạt 1 nghìn tỷ đồng/40 nghìn tỷ đồng kế hoạch là quá thấp, không đạt yêu cầu; đặc biệt, trong điều kiện thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh rất thuận lợi cho việc thoái vốn và tăng hiệu quả thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.

Việc không đạt kế hoạch thoái vốn ngoài yếu tố khách quan, còn do xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước ở các cấp có thẩm quyền rất chậm; ban hành văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời; các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan quyết liệt xây dựng các giải pháp để thực hiện kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng thất thu, trốn thuế, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, nợ đọng thuế cao, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế.

Về việc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong các năm qua, mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhưng tình trạng gian lận trong kê khai, chuyển giá, trốn thuế vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt chưa quản lý tốt đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; nợ thuế còn ở mức cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu, nhất là đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, giảm dần tỷ trọng nợ thuế, tăng thu ngân sách nhà nước.

Tiếp thu y kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 sau khi đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, nhiều ý kiến nhất trí với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nâng lương cho người mới đi làm, nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động chuyên trách ở xã, tổ, thôn, bản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, cải cách tiền lương là chủ trương lớn, mang tính đột phá, đã được quy định trong Nghị quyết 27 của Bộ chính trị. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp.

Dành nguồn lực ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường. Tuy nhiên hiện nay thu ngân sách nhà nước khó khăn, chi ngân sách nhà nước tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều ý kiến đề nghị tăng bội chi ngân sách nhà nước, các khoản thu ngân sách từ dầu thô, từ các khu vực kinh tế, từ thu sử dụng đất cao hơn để tạo nguồn thực hiện gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để thực hiện thực hiện phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cần có nguồn lực. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa xây dựng xong Chương trình phục hồi kinh tế làm căn cứ cân đối ngân sách. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong đó có các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách, bội chi, nợ công. Trước mắt, để bảo đảm tiến độ phân bổ và giao dự toán kịp thời theo luật định, xin Quốc hội cho phép giữ mức bội chi, các khoản dự toán thu như phương án Chính phủ trình.

Theo Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022.

Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH

Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai; cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên…

Theo Vietnam+

Đọc thêm