“Bóng ma” B-2 của Mỹ đáng sợ cỡ nào?

Nhờ khả năng tàng hình và tốc độ siêu âm, “Bóng ma” B-2 được coi là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ.

Thiết kế tân tiến

Sau thất bại của “pháo đài bay” B-52 tại Việt Nam, người Mỹ bắt đầu khởi động chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ mới cho Không quân ném bom chiến lược và B-2 - máy bay ném bom chiến lược tàng hình đầu tiên trên thế giới - ra đời sau nỗ lực kéo dài gần 1 thập kỷ. Năm 1989, mẫu B-2 cất cánh thử nghiệm lần đầu và năm 1993, nó chính thức được đưa vào phục vụ trong Không quân Mỹ và trở thành trụ cột sức mạnh của không lực nước này kể từ đó.

“Bóng ma” B-2 của Mỹ đáng sợ cỡ nào?

“Siêu bóng ma” B-2 Spirit đang cất cánh. Nguồn: afgsc.af.mil

Được phát triển bởi tập đoàn Northrop Grumman, B-2 Spirit là máy bay ném bom tàng hình chiến lược hạng nặng của Mỹ với ê-kíp bay hai người, có thể mang cả vũ khí thông thường và hạt nhân, có khả năng tác chiến độc lập hoàn toàn và đột phá hệ thống phòng không dày đặc để tấn công các mục tiêu chiến lược của đối phương. B-2 lần đầu tiên tham gia ném bom Kosovo năm 1999, sau đó thực hiện nhiều nhiệm vụ ở Afghanistan, Iraq, và Libya.

Hiện trong biên chế Không quân Mỹ có dưới 200 máy bay ném bom hạng nặng và chỉ 21 chiếc trong số đó là B-2. Cùng với pháo đài bay B-52 và B-1 Lancer, B-2 tạo nên bộ ba máy bay ném bom chiến lược nguy hiểm nhất thế giới.

B-2 Spirit có chiều cao 5,18 m, dài 21 m và sải cánh 52,42 m; được trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy General Electric F118-GE-100 cho phép đạt tốc độ tối đa cận âm 1.010 km/h, trần bay hơn 15.000m; tầm hoạt động khoảng 11.100 km mà không cần tái nạp nhiên liệu; có khả năng mang theo tải trọng hàng chục tấn.

Người Mỹ đã ứng dụng một loạt công nghệ về khí động học, vật liệu trên B-2 để giảm tín hiệu sóng phản xạ radar. Dáng ngoài của B-2 giống như con dơi khổng lồ, gần như không phân rõ ra “thân, cánh, đuôi”, tính năng tàng hình của nó được tính toán và thiết kế nhằm đảm bảo phản xạ sóng radar truy tìm mục tiêu của đối phương ra hướng khác hoặc bị hấp thụ nó.

B-2 được chế tạo chủ yếu sử dụng vật liệu phức hợp đá đen và sợi than - loại vật liệu nhẹ, khả năng chịu lực lớn nhưng phản xạ sóng radar yếu. Khung thân kết cấu B-2 và khoang động cơ dùng hợp kim titan, còn lại đều do vật liệu phức hợp, không phải dùng đinh tán mà ép ở áp suất cao, do vậy máy bay không phản xạ tín hiệu radar. Động cơ cũng được áp dụng các giả pháp để giảm thiểu bức xạ hồng ngoại.

Buồng lái được thiết kế để khi sóng radar chiếu vào sẽ bị trượt, khó phản xạ lại. Mép trước cánh máy bay B-2 được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar và thiết kế có lỗ rỗng kiểu tổ ong không thành qui tắc để triệt tiêu sóng radar. B-2 thiết kế với khoang vũ khí nằm trong thân (không có bất kỳ giá treo ngoài nào) để tối ưu hóa tính tàng hình. Với công nghệ như vậy, tiết diện phản xạ radar của B-2 chỉ còn 0,1 m2 - chỉ giống như một con chim nhỏ.

Tháng 6/1995, Mỹ đã đưa B-2 tới triển lãm hàng không Paris, radar cảnh giới của một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới đã không thể phát hiện được dấu vết B-2 cho tới khi nó xuất hiện trên bầu trời nước Pháp, gây chấn động dư luận. Cuộc thử đã gián tiếp khẳng định B-2 là máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất thế giới, đủ sức đột phá bất kể hệ thống phòng không tiên tiến nào, soán ngôi của B-52 trở thành “thần tượng mới của Không quân Mỹ”.

Không ngừng được nâng cấp hoàn thiện

B-2 có khả năng tàng hình ưu việt, có thể qua mặt hệ thống phòng không đối phương, nhưng đồng thời nó tàng hình luôn với “quân nhà”; để đảm bảo tính tàng hình, B-2 bắt buộc không có bất kỳ sự hộ tống nào, vì vậy, trong các chiến dịch không kích, B-2 phải hoàn toàn tác chiến độc lập. Trong trường hợp bị tiêm kích đối phương phát hiện, B-2 chắc chắn không có “cửa thoát” vì không có khả năng tự vệ.

“Bóng ma” B-2 của Mỹ đáng sợ cỡ nào?

Vũ khí tích hợp cho oanh tạc cơ đa năng B-2 Spirit. Nguồn: my.nps.edu

Để bảo quản lớp sơn hấp thụ sóng radar, B-2 phải được đặt trong nhà chứa với những tiêu chuẩn đặc biệt về độ ẩm và nhiệt độ. Sau mỗi chuyến bay, B-2 đều phải vào xưởng phục hồi lớp sơn phủ bên ngoài, chiếm tới 30% thời gian chuẩn bị mỗi chuyến bay. B-2 có giá thành đắt nhất thế giới - giá thành một chiếc khi đó là 515 triệu USD (tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay). Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD; nước Mỹ với ngân sách quốc phòng dồi dào cũng chỉ dám sở hữu 21 chiếc.

Không quân Mỹ từ lâu đã có kế hoạch phát triển một loại máy bay cường kích-ném bom tầm xa mới, tuy nhiên, ngân sách cho Không quân Mỹ bị thu hẹp, lại mất một khoản chi phí khổng lồ cho tiêm kích F-35, chương trình UAV tấn công tàng hình... buộc họ phải nâng cấp phi đội B-2 của mình. Nâng cấp bao gồm lắp các giá đỡ bom mới, cho phép mỗi máy bay B-2 mang được tới 80 quả bom thông minh JDAM; trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) với hàng nghìn radar tí hon, có thể định vị độc lập và theo nhiều hướng khác nhau.

Hệ thống AESA trên các máy bay ném bom B-2 cho phép chúng có thể tự xác định mục tiêu và sau đó dùng một trong 80 quả bom thông minh mang theo để “thanh toán”. Không quân Mỹ cũng đã lên kế hoạch nâng cấp hỏa lực và cảm biến hiện đại hơn, có thể trang bị thêm nhiều loại tên lửa hành trình tầm xa và cả bom hạt nhân B-61 Mod 12 cho B-2.

Hệ thống kiểm soát phòng thủ (DMS) mới cho phép phi công điều khiển máy bay biết được vị trí của các hệ thống phòng không đối phương. Với DMS, B-2 sẽ có thể nhận thông tin trực tiếp từ các máy bay không người lái hoặc chiến đấu cơ khác theo thời gian thực (có thể chính thức đi vào hoạt động giữa những năm 2020). Với kế hoạch nâng cấp máy bay ném bom B-2 rất toàn diện, Không quân Mỹ kỳ vọng B-2 có thể phục vụ đến năm 2058.

Hệ thống vũ khí đầy uy lực

Hai khoang vũ khí trong thân máy bay B-2 có thể chở 23 tấn bom. Tùy theo từng nhiệm vụ, nó sẽ mang 80 bom Mk82 (227 kg) hoặc 16 bom Mk84 (1.000 kg) hoặc 16 bom hạt nhân B61/B83. Với việc nâng cấp hệ thống điện tử, B-2 sau này mang được bom có điều khiển GBU-28, GBU-57A/B hạng nặng và tên lửa hành trình đối đất tầm xa AGM-158 (có tầm bắn lên đến 2.500 km), tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa (LRSO).

“Bóng ma” B-2 của Mỹ đáng sợ cỡ nào?

Pháo đài bay tàng hình B-2 Spirit đang rải thảm. Nguồn: orthodoxathemata

Bằng Hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS), bom hỗ trợ GPS, Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM), radar APQ-181... sát thủ này có thể ném bom chính xác 16 mục tiêu một lúc. B-2 Spirit sẽ được thay thế các hệ thống radar kỹ thuật số và các công nghệ liên lạc tiên tiến, có nghĩa các vũ khí hạt nhân có thể được thả từ độ cao 15 km trước khi đối thủ kịp nhận ra chuyện gì xảy ra.

B-2 từng thực nghiệm tiếp dầu trên không, tạo đám mây hơi nước ngưng tụ trên thân và cắt liên tiếp hai siêu bom GBU-57 tấn công các mục tiêu giả định với độ chính xác cao. GBU-57 MOP (Massive Ordnance Penetrators) là bom phi hạt nhân lớn thứ hai trong kho vũ khí của Mỹ, chỉ sau GBU-43 MOAB với biệt danh "Mẹ của các loại bom". Mỗi quả GBU-57 dài 6,2 m, có đường kính 0,8 m và nặng gần 14 tấn, được trang bị hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, có khả năng xuyên qua lớp bê tông cốt thép dày 60 m trước khi kích hoạt khối thuốc nổ 2,4 tấn để tăng tối đa sát thương bên trong.

Với khả năng xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng không của đối phương để tấn công bằng vũ khí chính xác hoặc ném bom rải thảm, với hơn 20 năm "thống trị" bầu trời, B-2 Spirit được coi là nỗi ác mộng cho bất cứ lực lượng nào đối đầu với chúng và vẫn sẽ là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm và lợi hại của không quân Mỹ trong nhiều năm nữa. Được mệnh danh là “Bóng ma bầu trời” nhờ khả năng tàng hình và tốc độ siêu âm, B-2 được coi là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục tăng cao có nguy cơ biến thành xung đột cục bộ. Hiện Mỹ đã triển khai tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu đổ bộ và cả phi đội máy bay ném bom B-52H tới vịnh Ba Tư. Giới quan sát nhận định, trong trường hợp Mỹ tấn công Iran, rất có thể B-52 bước đầu sẽ đóng vai trò nghi binh, còn đòn tấn công phủ đầu sẽ đến từ “pháo đài bay” tàng hình B-2.

Theo VOV

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.