Bữa cơm chiều cuối năm trong truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bữa cơm đoàn viên chiều cuối cùng của năm trong mỗi dịp tết Nguyên đán là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt nói chung. Với người Hà Tĩnh, dù cuộc sống ngày càng hiện đại, phong tục này vẫn được gìn giữ và phát huy trong mỗi gia đình.

Bữa cơm chiều cuối năm trong truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

Chợ quê ngày tết, thời chưa có dịch COVID-19. Ảnh: tư liệu

Chừng 20 năm trước, đất nước và làng quê tôi còn nghèo. Cũng như nhiều gia đình khác trong làng, để sắm được một cái tết đầy đủ, mẹ tôi phải đi chợ tết từ 24, 25 tháng Chạp. Mỗi phiên chợ ấy là sự bán, mua, góp nhặt những nhu yếu phẩm, thực phẩm. Mẹ tôi bán nếp, bán chè xanh… để đổi lấy các thức: miến dong, bắp cải, su hào; các loại gia vị như ngũ vị, hạt tiêu, gừng… Mỗi ngày một thứ, góp nhặt nhiều lên chỉ để chờ ngày 28, 29 tháng Chạp cùng làng xóm rủ nhau “đụng” lợn là có đủ làm mâm cỗ cúng tổ tiên ngày cuối năm và cũng là mâm cơm đoàn viên chiều 30 tết.

Dù nghèo khó, mỗi gia đình trong làng tôi vẫn cẩn thận dành những gì tốt nhất, ngon nhất và tinh tươm nhất cho mâm cỗ chiều 30 tết. Cái thành tâm hướng về tổ tông, cái ân cần và trọng thị cho những lời mời người thân, họ hàng ăn tết chiều 30 được bố mẹ tôi chỉ bày cụ thể cho anh chị em trong nhà. Sau này, tôi hiểu ra rằng, bố mẹ tôi, người làng tôi - những người nông dân mộc mạc đã kế thừa truyền thống đó hàng trăm, hàng nghìn năm từ ông cha để lại mà không qua sách vở, văn tự nào.

Bữa cơm chiều cuối năm trong truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

Mâm cơm cúng gia tiên ngày cuối năm thường được chuẩn bị thịnh soạn đầy đủ. Ảnh: Internet

Là một nhà văn có nhiều tìm tòi về văn hóa tết truyền thống, chị Trần Quỳnh Nga (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, tôi lại nhớ cái dáng tất bật ra vào của bà và mẹ mỗi chiều 30. Ấy là khi họ lo lắng sửa soạn làm sao cho mâm lễ cúng gia tiên và bữa cơm đoàn viên được chu tất, đầy đủ nhất. Với gia đình tôi, dù cuộc sống bây giờ nhiều bận rộn hơn nhưng bữa cơm chiều 30 tết ấm cúng và thiêng liêng ấy vẫn luôn duy trì mỗi năm. Tôi nghĩ, bữa cơm chiều cuối năm là một nốt lặng nhưng thanh âm của nó đầy niềm vui của sự yên ấm lâu bền. Đó chính là truyền thống mà chúng ta, những thế hệ sau này phải luôn gìn giữ…”.

Bữa cơm chiều cuối năm trong truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

Ngày cuối năm cũng là lúc các thành viên trong gia đình chị Trần Quỳnh Nga quây quần gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên. Ảnh: NVCC

Là một người con Hà Tĩnh hiện công tác ở Thủ đô và có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, phong thủy, anh Nguyễn Hoàng - Giám đốc Viện Phong thủy Hoàng Gia Việt Nam (Hà Nội) cho rằng, sở dĩ Việt Nam có truyền thống làm mâm cơm cúng gia tiên ngày cuối năm và bữa cơm đoàn viên chiều 30 tết là vì hàng nghìn năm nay, nước ta có tín ngưỡng thờ thần và tôn kính tổ tiên.

Đặc biệt, vào lúc chuyển giao năm cũ năm mới, dù có đi đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quê hương bản quán, thắp nén tâm nhang, tỏ lòng cảm tạ ơn trên và tổ tiên nguồn cội, đồng thời nguyện cầu cho một năm mới được âm siêu dương thái, gia đạo hưng long. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc ta.

Riêng Hà Tĩnh chúng ta, bữa cơm chiều 30 được người dân hết sức coi trọng. Nếu anh chị em ở gần nhau, đa số chọn nơi tổ chức bữa cơm này tại nhà ông bà hoặc bố mẹ đẻ. Nét văn hóa đẹp này xuất phát từ Hà Tĩnh là địa phương có nhiều dòng họ có truyền thống bảo tồn được nhà thờ dòng tộc qua nhiều thế hệ, sao giữ được gia phả trọn vẹn qua rất nhiều đời.

Bữa cơm chiều cuối năm trong truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Hoàng - Giám đốc Viện Phong thủy Hoàng Gia Việt Nam (Hà Nội): Bữa cơm đoàn viên cuối năm đầm ấm sẽ mang lại sự thịnh vượng cho mỗi gia đình trong năm mới.

Từ góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu phong thủy, anh Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Văn hóa làm mâm cúng gia tiên ngày cuối năm và bữa cơm đoàn viên chiều 30 tết đầm ấm có ý nghĩa rất lớn về mặt phong thủy trong mỗi gia đình. Bởi gia đình sum họp, con cháu vui vầy, hiếu thảo biểu trưng cho khí dương mạnh mẽ. Con người cần nhận được khí dương thì mới bình an, mạnh khỏe, hùng cường, bữa cơm chiều 30 là một biểu hiện của khí dương gia tộc. Do vậy, mỗi gia đình nên duy trì và phát huy truyền thống văn hóa làm mâm cúng gia tiên và tạo được bữa cơm đoàn viên ấm cúng. Điều đó sẽ tạo sự thịnh vượng cho mỗi gia đình trong năm mới”.

Dưới góc độ nào cũng có thể thấy phong tục làm mâm cỗ cúng gia tiên chiều 30 tết và bữa cơm đoàn viên ngày cuối năm là một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa trong mỗi dịp tết Nguyên đán. Bởi đó là biểu trưng cho văn hóa của người Việt, ứng xử lấy chữ hiếu đặt lên hàng đầu, xem trọng gia đình, dòng tộc; đó còn là văn hóa của sự tri ân nguồn cội, nền tảng cho tinh thần đoàn kết dân tộc Việt, truyền thống “con Rồng, cháu Tiên” từ hàng nghìn năm qua.

Ngày nay, dù đời sống hiện đại bận rộn và nhiều lo toan nhưng văn hóa bữa cơm đoàn viên trong mỗi gia đình chiều 30 tết vẫn được người Hà Tĩnh gìn giữ và phát huy.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.