Trước đó, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc đã soạn “thư ngỏ” kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các giáo xứ lấy cớ “hiệp thông, cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại TAND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh” song thực chất để thực hiện các hành vi gây rối, chống chính quyền.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cầm loa kích động giáo dân xuống đường. Ảnh: NTV |
Đáp lại “thư ngỏ” của Nguyễn Đình Thục, giáo dân Song Ngọc cũng có “thư ngỏ” bày tỏ sự bức xúc và quan điểm thẳng thắn. Bức thư nhận được sự chia sẻ, hưởng ứng của rất nhiều người và nhanh chóng lan truyền trên mạng internet.
Trong thư, người viết cho biết đã từng “đi theo tiếng gọi của cha”, từng “đội mũ, cầm cờ, bịt khẩu trang tháp tùng đứng cạnh cha” khi linh mục Thục cầm loa hô hào, kêu gọi các giáo dân chống đối chính quyền dưới danh nghĩa kiện Formosa.
Sau những ngày “đi theo cha” với hành động nông nổi, bồng bột, dần dần người này nhận ra sự thật đằng sau tấm biểu ngữ “kiện Formosa” và đằng sau cái áo “cha” mặc – linh mục. Đến lúc này, người viết bày tỏ thái độ bức xúc: “Cha không phải là một vị linh mục theo đúng nghĩa được Thiên chúa mời gọi! Chúng con thật sự thất vọng và thật sự xấu hổ khi đi cùng cha".
Trong thư, người viết bày tỏ bức xúc: “Chúng con đầu tiên cũng nhầm tưởng cha vì lẽ sống, vì lẽ công bằng mà tập hợp chúng con đi khiếu kiện, nhưng càng đi càng nghe nhiều cuộc điện đàm bàn công chuyện của cha với một nhóm người nào đó thì chúng con thấy thật là trớ trêu. Chúng con nhận ra một điều rằng Giáo hội chỉ đặt mình trong dòng chảy tự nhiên của truyền thống Kitô giáo và là đòi hỏi nội tại trong chính sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi cha can thiệp vào các vấn đề xã hội, đâu là tương quan giữa Giáo hội và chính quyền? Điều này cha có lý giải được không?”.
Thư cũng viện dẫn những điều răn của Chúa, khẳng định chính Đức Giêsu thừa nhận tính hợp pháp của chính trị và ngài cũng xác định những giới hạn của nó: “Hãy trả cho César những gì thuộc César, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa”. Ngài kêu gọi hãy phân biệt quyền bính chính trị với một thứ quyền lực khác, một lề luật khác, đó là lề luật của Thiên Chúa, một lề luật được khắc ghi trong cung lòng, có nhiệm vụ khai sáng các lương tâm. Không ai khác, chính Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Rôma cũng với tâm tình này: “Cần phải phục tùng các chính quyền, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm”. Giống Đức Giêsu, thánh Phaolô tôn trọng những quyền hành được thiết định...
Đối chiếu hành động xúi giục giáo dân đi kiện Formosa, người viết khẳng định, việc Tập đoàn Formosa vào Việt Nam, gây thảm họa môi trường đã rõ, Chính phủ đã nỗ lực vào cuộc để khôi phục lại tình hình, chính Tập đoàn Fomosa – doanh nghiệp trực tiếp gây ra thảm họa đã nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước nhân dân và bồi thường, do đó “bây giờ cha lại kêu gọi chúng con đi khiếu kiện, giờ đây chúng con không biết kiện về cái gì”?
Thư bày tỏ, bà con giáo xứ Song Ngọc cũng như giáo dân miền Trung nói chung cần sự ổn định, bình tâm để lao động sản xuất chứ không phải là khăn gói tụ tập đi làm những điều phi lý, phi đạo.
Thư viết: “Chúng con vẫn đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, cơ sở vật chất nhà thờ nhà nguyện được chính quyền các cấp quan tâm cho xây dựng, tu sửa, thiếu đói giáp hạt có chính phủ quan tâm, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cứu trợ, khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, người già được trợ cấp... Thật sai lầm khi chúng con đồng hành cùng cha đi khiếu kiện. Chúng con nghĩ không ai khác chính cha phải có bổn phận chuyển tải những lời dạy của Đức Giêsu cho những hoàn cảnh mới, cho những hoàn cảnh chính trị hiện nay.
Giáo hội hằng hiện tại hoá những lời giáo huấn của Tin Mừng. Chúng con thiết tha kính mong cha tin vào Tin Mừng và nhờ cha sống đúng với đời sống Kitô giáo, tin vào những giáo huấn của Hội thánh, để não trạng, thái độ của cha đối với chính trị dần được thay đổi. Nếu được như vậy cha sẽ được mời gọi xem xét, nghĩ lại. Mỗi người phải nghiêm túc xét lại mình đã có những đóng góp gì cho cộng đồng, những đóng góp ấy đã xứng đáng hay chưa, cha xem thử mình đã làm tròn bổn phận một vị linh mục chưa.
Việc cha đang làm là vô hình chung đập vào mắt mọi người điều không hay về đạo đức công giáo. Chính cha là người phát ngôn bảo người quay phim đừng quay cảnh cha dẫn đầu đoàn biểu tình khiếu kiện vì quay cảnh ấy là phản cảm, sao cha biết hành động đó phản cảm mà cha vẫn dẫn chúng con đi? Nếu cha không nhớ thì con xin trích tập 27, chương X trong Giáo luật “Cách riêng về Giáo hội” có ghi: “... Không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo hội...”. Đó thưa cha”.
Trong thư cũng chỉ ra rằng, để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, Giáo hội cần tiến hành cuộc đối thoại đa diện: Đối thoại với chính quyền là những người có trách nhiệm tổ chức, ổn định và xây dựng xã hội. Thế nhưng khi các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Nghệ An ra trực tiếp đối thoại thì “cha có chịu nghe đâu, chính cha luôn luôn dạy chúng con đức vâng lời nhưng chính cha là người không vâng lời, bởi vì qua đối thoại những giá trị đạo đức của dân tộc, của đồng loại, những giá trị nhân văn đích thực sẽ hiện hữu. Nếu cha không chịu đối thoại thì những giá trị đó có nguy cơ bị xói mòn, một vị linh mục như vậy thử hỏi mọi người, liệu cha có xứng đáng không”.
Ở đoạn thư sau đây cho thấy người viết đã là giáo dân đứng tuổi, có kinh nghiệm trong hoạt động đạo và đời, lời văn thâm thúy nhưng rất khiêm nhường: “Chúng con tin rằng trong đoàn con chiên đi theo cha cả ngày hôm nay, chính chúng con là những người sinh ra và lớn lên trên miền quê Song Ngọc này trước cha, cha chỉ mới đáng tuổi con của chúng con thôi, nhưng vì cha được phong chức linh mục, chúng con làm con chiên nên phục tùng, nhưng chúng con cũng chịu khó đọc Huấn thị Bộ Truyền giáo gửi cho các Ðấng Bản Quyền tại Việt Nam năm 1659 có đoạn “Hãy giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với Nhà nước, dù các vị cầm quyền là những người khó khăn...”.
Đọc và suy ngẫm những điều này tự chúng con cũng nhận thấy cha đang ở đâu? Và hành động như thế nào trong thời gian vừa qua? Nếu không mau tỉnh ngộ thì chính cha là tác nhân làm mất đi những huấn từ của Chúa, mất đi hình ảnh, khiêm nhường, bác ái mà Đức Kitô đã truyền dạy cho hậu thế hôm nay.
Kết thư, người viết tâm tư “Đêm không ngủ được phần vì muỗi cắn, phần vì xấu hổ với mọi người, thổn thức chúng con viết lên những điều gan ruột này kính mong cha hãy cố gắng đọc và suy ngẫm vì giáo luật là “kỷ luật thánh”. Tại Điều luật 519 cũng chỉ rõ: “Đức tuân phục của linh mục đem lại nhiều ích lợi cho Giáo hội, và ngược lại, sự bất tuân của linh mục gây cho Giáo hội nhiều thiệt hại”.