Những ngày qua, hình ảnh các cụ ông, cụ bà lớp Hóa khóa 9 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tề tựu trước khuôn viên trường, được chia sẻ khắp các diễn đàn, nhận được hàng triệu lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ.
Trước hình ảnh các cụ tóc bạc phơ, có cụ chống gậy, phải cần người dìu đi lại nhưng vẫn đến gặp gỡ bạn bè, đa số bày tỏ ngưỡng mộ, thậm chí so sánh với những cuộc họp lớp của giới trẻ hiện nay.
"Các cụ đã lớn tuổi, nhiều người đi lại khó khăn nhưng vẫn góp mặt đông đủ khiến em rất cảm động. Tình bạn của các cụ thật đáng quý", Thanh Tùng, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ sau khi xem các hình ảnh, video về buổi họp lớp của các cụ trên mạng xã hội.
Lớp Hoá khóa 9 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chụp ảnh trong khuôn viên trường hôm 17/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Bùi Thị An, 80 tuổi, lớp trưởng, chia sẻ niềm vui và tự hào khi cùng các bạn tổ chức được một buổi họp lớp ý nghĩa. “Chúng tôi đã thắng lợi lớn khi huy động được trí lực và nguồn lực của tất cả thành viên trong lớp”, bà An nói.
Bà An kể lớp Hóa khóa 9 (1964-1968) của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 84 sinh viên, cùng học tập và trưởng thành trong giai đoạn rất khó khăn. Năm 1965, khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, cả lớp phải đi sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trong điều kiện thiếu thốn, cả lớp tự dựng lều, làm lán để có chỗ ăn ở, học tập, thực hành. Từ những cô cậu sinh viên cặm cụi tìm tòi về khoa học cơ bản, các thành viên của lớp trở thành những anh thợ cả, thợ hai, những người nông dân trồng sắn, tự phục vụ.
"Ra trường, không ai trở thành đại gia nhưng đều tự khẳng định được mình, thành những chuyên gia y tế, giáo dục hay tướng, tá trong quân đội, công an. Điều quan trọng, chúng tôi đều là những người tử tế, được xã hội công nhận", bà An nói.
Giai đoạn trước Covid-19, lớp bà An từng nhiều lần gặp mặt ăn uống nhưng chưa tổ chức họp lớp với nhiều hoạt động bài bản. Vì vậy, nhân dịp 55 năm ngày ra trường, bà An cùng các bạn lên kế hoạch tổ chức một buổi “ra trò” nhằm ôn lại kỷ niệm, cùng nhau xem lại mình và bạn bè đã làm được gì để tri ân thầy cô.
Các cụ dìu nhau trong buổi họp lớp. Ảnh: Nguyễn Văn Mão/Fanpage trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Từ ba tháng trước, bà An cùng một số người bạn bàn bạc, thống nhất, phân công công việc, kết nối mọi người qua Zalo.
Do không chỉ tổ chức họp lớp đơn thuần mà mong muốn làm được một cuốn kỷ yếu với đầy đủ thông tin cá nhân, quá trình công tác, thành tựu của từng thành viên, ban tổ chức đã phải làm việc rất chi tiết, cẩn thận. Lớp có 19 bạn đã mất, các thành viên liên lạc với người thân để có thông tin.
Để tạo điểm nhấn, bà An cùng các thành viên quyết định làm đồng phục. Mẫu áo với thiết kế hai màu đỏ - vàng như màu cờ Việt Nam cùng con số kỷ niệm 55 năm và logo của khoa Hóa ra đời, được mọi người đồng thuận.
Ngày gặp mặt 17/9, trừ những người đã mất và một số sức khỏe không cho phép, 48 thành viên trong lớp có mặt đông đủ từ sớm. Có những người ở TP HCM, Quảng Ngãi cũng về dự. Có người đi lại khó khăn, được vợ đưa đi.
"Cùng với sự góp mặt của 11 thầy cô, đây là lần gặp mặt đông đủ, đầm ấm, hoành tráng nhất của lớp kể từ ngày ra trường. Ở đây, chúng tôi không quan tâm chức tước của nhau, chúng tôi chỉ như những người bạn, ôn lại những ký ức đẹp đẽ thời còn trẻ, học chung dưới một mái trường", bà An chia sẻ.
Các thành viên ngồi trong giảng đường.
Với bà Nguyễn Thị Quỳ, 77 tuổi, buổi họp lớp nhân dịp tròn 55 năm ngày ra trường đầy xúc động. Trước buổi gặp mặt, bà đã nghĩ các bạn gặp nhau sẽ nói chuyện với vẻ chững chạc, đôi khi là gượng ép bởi lớn tuổi cả rồi. Nhưng không ngờ, mọi thứ vẫn như xưa. Mọi người như trẻ lại, hồ hởi đưa nhau những chiếc áo đồng phục, cùng nhau trò chuyện một cách hào hứng.
Cả lớp vỗ tay khi giới thiệu đến các thầy cô từng dạy mình.
"Tôi cảm nhận chúng tôi vẫn luôn dõi theo và góp mặt trên hành trình của nhau. Đó là điều cực kỳ quý giá với người lớn tuổi", bà Quỳ nói.
Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ra đời năm 1956, ngay sau khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra quyết định thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiệm vụ của khoa là đào tạo cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Hóa học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các giảng viên dạy lớp bà An và bà Quỳ cũng là các cựu sinh viên của khoa, từng có thời gian được cử đi học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (Liên Xô) trước khi trở về công tác.