Sáng 6/7, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng dự. |
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh là 9.581 tỷ đồng, tăng 53,38% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn địa phương quản lý là gần 9.023 tỷ đồng, vốn trung ương đầu tư trên địa bàn là gần 559 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hơn 396 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chưa đủ điều kiện giao kế hoạch.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 30/6 đạt 4.353 tỷ đồng, bằng 45,43% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và bình quân chung cả nước (số liệu đã bao gồm vốn bố trí thu hồi ứng trước).
Cụ thể, vốn cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt 3.047 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch; vốn cấp huyện, xã quản lý giải ngân đạt 1.213 tỷ đồng, bằng 50,73 kế hoạch; vốn trung ương trên địa bàn giải ngân đạt gần 92 tỷ đồng, bằng 16,44% kế hoạch.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Nguyễn Hữu Khiếu: Đề nghị các sở, ngành chuyên môn quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ các dự án, đặc biệt là các dự án yêu cầu phải giải ngân nguồn vốn trong năm 2021.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước, nhiều dự án đã giải ngân hết kế hoạch vốn. Tuy vậy, tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu.
Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lê Anh Dũng: Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là GPMB, các đơn vị, địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Cũng theo số liệu của Sở Tài chính, nếu loại trừ phần vốn thu hồi ứng trước thì đến cuối tháng 6 còn 203 dự án và 48 đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Trần Văn Tùng: Đề nghị tỉnh đưa hạng mục cắm cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới vào bước lập dự án đầu tư để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc như: công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn; diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân công, thiết bị phục vụ thi công; giá cả một số vật tư, vật liệu tăng cao; một số địa phương, đơn vị chưa thực sự vào cuộc, thiếu chỉ đạo quyết liệt; một số nhà đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong đôn đốc nhà thầu triển khai thi công…
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành: Đề nghị các địa phương soát xét những tồn tại liên quan đến đất đai, tài nguyên, tiếp tục đề xuất để ngành chuyên môn tham mưu, xử lý.
Các địa phương, đơn vị cũng cam kết phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt 100% kế hoạch được giao, đến quý III đạt trên 70% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân mặc dù đã đạt được kết quả tốt song vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 10%. Trong khi đó, thời gian thuận lợi (về thời tiết) thi công xây dựng cơ bản chỉ còn khá ngắn. Đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung cao cho công tác giải ngân; các sở, ngành coi các hồ sơ liên quan đến công tác giải ngân, công tác GPMB là việc ưu tiên số 1 để xử lý. Các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, đề nghị các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong điều kiện đó, công tác giải ngân vẫn đạt một số kết quả tích cực, đến nay đã đạt 45,43% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Đề nghị các ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, trường hợp các đơn vị, địa phương không đủ khả năng giải ngân thì kịp thời chuyển nguồn vốn cho các đơn vị khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong công tác giải ngân là GPMB, do đó, các địa phương phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Thời gian tới, quan điểm chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó; phải làm rõ nguyên nhân của các dự án chậm tiến độ để có giải pháp xử lý phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương đến 31/1/2022, phải hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đề nghị các ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, trường hợp các đơn vị, địa phương không đủ khả năng giải ngân thì kịp thời chuyển nguồn vốn cho các đơn vị khác. Tỉnh sẽ lấy kết quả giải ngân của các đơn vị làm tiêu chí để đánh giá xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân người đứng đầu.
Yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt về các thủ tục hành chính để các chủ đầu tư sớm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Các địa phương cũng cần tập trung cao công tác phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ tạo điều kiện tốt cho công tác giải ngân vốn đầu tư.