Các đoàn công tác của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 3

(Baohatinh.vn) - Lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng Hà Tĩnh đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão số 3, chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ngày 6/9, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra hoạt động phòng chống bão số 3 (Yagi) tại xã Xuân Hội. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo huyện Nghi Xuân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Xuân Hội

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Xuân Hội

Tại xã Xuân Hội, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Đến nay, tổng số 93 tàu thuyền các loại trên địa bàn đã được ngư dân đưa vào nơi tránh trú, neo đậu tại các vị trí an toàn.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, lực lượng dân quân tự vệ trong công tác phòng chống bão.

Đến thời điểm này, 813 tàu thuyền trên địa bàn huyện đã được đưa vào bờ trú ẩn an toàn.

Tất cả tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào nơi trú ẩn an toàn

Tất cả tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào nơi trú ẩn an toàn

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống bão số 3 của huyện Nghi Xuân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị huyện Nghi Xuân tiếp tục cập nhật về diễn biến của bão để có phương án phòng, chống kịp thời. Đồng thời, tổ chức các phương án chằng chống nhà cửa, trụ sở; cắt tỉa cây xanh... nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhà nước và Nhân dân.

Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó khi có bão, lụt xẩy ra. Có phương án di dời dân ở những điểm trọng yếu về sạt lở đất đá, vùng có nguy cơ ngập lụt, triều cường đến khu vực an toàn.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh do Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nguyệt dẫn đầu vừa đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó trên địa bàn huyện Lộc Hà.

z5802164568516_24349b95193e570f35da7ff9ff703f53.jpg
Đoàn công tác kiểm tra tại cống Đò Điệm.

Đoàn công tác đã kiểm tra tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (Thạch Kim) thuộc Ban quản lý Các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh; Trường Tiểu học xã Thạch Kim; cống Đò Điệm.

Theo dự báo, bão số 3 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, do đó có thể ảnh hưởng đến tài sản, hệ thống hạ tầng về thủy lợi, đê điều, các công trình giao thông, huyện Lộc Hà đã thực hiện nghiêm các công điện của UBND tỉnh. Đồng thời, theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, quyết tâm không để bị động, bất ngờ.

Huyện cũng đã thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đến sáng 6/9, tại âu tránh trú bão, cảng cá Thạch Kim có 200 phương tiện đang neo đậu (ngoại tỉnh có 21 phương tiện gồm Nghệ An 15, Thanh Hoá 5, Quảng Ngãi 1). Huyện đã phối hợp với các lực lượng và gia đình các chủ phương tiện, thuyền trưởng đã kêu gọi 38 phương tiện/184 lao động đang hoạt động xa bờ về nơi tránh trú bão an toàn.

z5802164614197_79cc84fc2f9588fdf2da4cc9474594b5.jpg
Đoàn công tác kiểm tra tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (Thạch Kim).

Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh đã bố trí cán bộ chuyên môn túc trực, linh hoạt trong công tác vận hành hệ hệ thống thủy lợi. Riêng đối với cống Đò Điệm, đơn vị sẽ chủ động tận dụng thuỷ triều, vận hành mở cống tiêu thoát lũ an toàn, phù hợp theo tình hình thực tiễn.

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đề nghị huyện Lộc Hà tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền. Tại các vị trí xung yếu, ngành chức năng, địa phương cần chủ động bố trí lực lượng ứng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt là phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt vùng đồng bằng, ven biển của huyện Lộc Hà.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm