Các môn học trong sách giáo khoa mới sẽ có thay đổi như thế nào?

Môn Ngữ văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc ở cấp THPT, môn Toán sẽ theo hướng tinh giản, môn Lịch sử sẽ thay đổi trong cách thức giảng dạy...

Dự kiến trong tháng 1/2018, dự thảo các chương trình (CT) môn học trong CT giáo dục phổ thông mới sẽ được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc ở cấp THPT

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, đến thời điểm này, CT các môn học đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của nhiều chuyên gia, giáo viên.

Ngữ văn là môn học học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn học này có tên là tiếng Việt; ở THCS và THPT có tên là ngữ văn.

cac mon hoc trong sach giao khoa moi se co thay doi nhu the nao

Chương trình các môn học trong sách giáo khoa mới sẽ có thay đổi căn bản theo hướng phát huy năng lực của học sinh (ảnh minh họa)

Điểm khác biệt nhất so với các CT trước đây là môn ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, để lựa chọn nội dung dạy học.

Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn: đọc, viết, nói và nghe. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong CT THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc.

Để tránh hiện tượng yêu cầu học sinh (HS) học thuộc lòng văn mẫu như hiện nay, GS Thuyết cho rằng CT mới bảo đảm nguyên tắc HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Môn Toán sẽ được tinh giản

GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên CT môn toán cho biết, điều quan trọng mà môn toán mới hướng tới là bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. Cụ thể, nội dung môn toán phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học, đồng thời chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác.

Đáng chú ý, môn toán mới ở từng cấp cũng dành thời gian thích đáng để tiến hành các hoạt động trải nghiệm toán học cho HS chẳng hạn như: tiến hành các đề tài, dự án học tập, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi toán học, câu lạc bộ, diễn đàn...

Ngoài ra, môn toán mới cũng đảm bảo tính phân hóa ở tất cả các cấp học, tăng cường dạy học theo hướng cá thể hóa người học, đáp ứng yêu cầu cần đạt chung của CT, đồng thời chú ý tới các đối tượng có nhu cầu đặc biệt (HS năng khiếu, HS khuyết tật...).

Môn Lịch sử hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao

Cấu trúc nội dung CT môn lịch sử và địa lý đổi mới khá căn bản. Về lịch sử, CT chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, quốc gia, khu vực, một số giai đoạn lịch sử, không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại. CT chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử và địa lý.

Hình thức dạy học chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho HS làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới qua các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để HS bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.

Đến cấp THCS, lịch sử và địa lý là môn học bắt buộc trong CT giáo dục phổ thông tổng thể. Trong CT, các mạch kiến thức của lịch sử và địa lý được tích hợp ở mức độ đơn giản, sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, điểm mới trong cấu trúc, tích hợp của phân môn lịch sử ở cấp THCS là nếu CT và sách giáo khoa lịch sử hiện hành viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử Việt Nam, thì nội dung lịch sử trong CT mới ở cấp THCS lấy trục thời gian làm trục xuyên suốt. Vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế theo mô hình: thế giới - khu vực – Việt Nam - lịch sử địa phương trong đó, lấy lịch sử VN làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của CT.

Ngoài ra, môn lịch sử của cả 3 cấp khác với CT trước đây ở chỗ, hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Ở cấp THCS, HS sẽ được học lịch sử từ nguyên thủy cho đến nay. Do đó, những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử… được sắp xếp theo thời gian.

Sự khác biệt về mức độ CT THCS không phải chỉ ở khối lượng nội dung, chi tiết các sự kiện lịch sử, mà điều chủ yếu là mức độ nhận thức rất cơ bản ở THCS về bản chất của các sự kiện, nguyên nhân của các biến chuyển lịch sử, của sự đa dạng các mô hình xã hội, về lý luận nhận thức và sự chú trọng rèn luyện các kỹ năng học tập, vận dụng kiến thức vào các tình huống mới./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.