Đóng trên địa bàn còn khó khăn ở vùng bãi ngang Thạch Hà nhưng nhiều năm qua, bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, Trường Tiểu học Thạch Khê luôn chú trọng công tác phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
Đến Trường Tiểu học Thạch Khê hôm nay, trong các giờ ra chơi không khó để bắt gặp cảnh tại thư viện trường đông đảo từng nhóm học sinh mượn sách, đọc sách. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các em đã rất có ý thức trong việc chọn sách để đọc, tìm không gian để tự đọc hoặc cùng người bạn của mình tìm hiểu về kiến thức trong sách một cách nhẹ nhàng, trật tự, yên tĩnh.
Em Lưu Thiện Nhân (học sinh lớp 4B) cho biết: "Em bắt đầu đến thư viện tìm sách đọc từ năm lớp 2. Em cảm thấy đọc sách rất bổ ích, giúp em khám phá nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa. Em thích đọc các cuốn truyện cổ tích, các cuốn sách nói về tình cảm gia đình, thầy cô và mái trường. Các cô không chỉ hướng dẫn cho em tìm các cuốn sách hay mà còn dạy chúng em khi đến thư viện đọc sách phải tập trung, không làm ồn, ảnh hưởng đến mọi người".
Trường Tiểu học Thạch Khê hiện có 384 học sinh, với 11 lớp học. Để tạo môi trường, khuyến khích học sinh có niềm yêu thích với việc đọc sách, từ năm học 2014 -2015, trường đã tiên phong trong việc vận động nguồn xã hội hóa xây dựng thư viện thân thiện với diện tích 100 m2, được trang bị đầy đủ hệ thống kệ sách, không gian phòng đọc thoáng rộng, tiện nghi, đầu sách phong phú, đa dạng.
Đến nay, thư viện có hơn 4.300 đầu sách đủ thể loại phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học và sách tham khảo nghiên cứu dành cho giáo viên. Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Thạch Khê luôn khuyến khích và duy trì các hoạt động như: chia sẻ cuốn sách hay trong tiết chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp; tại các lớp học đều có tủ sách riêng... Qua đó, khơi lên vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách trong mỗi em học sinh.
Cô Hoàng Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Khê cho biết: "Chúng tôi luôn quán triệt đến mỗi giáo viên làm thế nào để giáo dục, tuyên truyền các em thấy được việc đọc sách mỗi ngày là một hoạt động học tập, đáng khen ngợi. Mỗi giáo viên đều là một "sứ giả" sâu sát hỗ trợ, khơi dậy tình yêu, đam mê với tìm kiếm tri thức trong trang sách đối với mỗi học sinh. Đồng thời, tuyên truyền khuyến khích phụ huynh đọc sách cùng con. Vì thế, phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa trong nhà trường".
Nhờ chú trọng công tác phát triển văn hóa đọc, nhiều năm qua, học sinh Trường Tiểu học Thạch Khê tích cực tham gia vào các cuộc thi liên quan về văn hóa đọc các cấp và đạt nhiều giải thưởng. Tiêu biểu như năm học 2023 - 2024 vừa qua, em Hồ Khánh An (học sinh lớp 4B) đã giành giải khuyến khích Cuộc thi "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ" do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức; em Hồ Lê Lạc Hòa (lớp 5B) đạt giải ba toàn quốc Cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; em Hoàng Lê Diệp An (lớp 5B) đạt giải nhì Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2024... Liên tục nhiều năm nay, Thư viện Trường Tiểu học Thạch Khê luôn được Sở GD&ĐT Hà Tĩnh xếp loại thư viện xuất sắc.
Tại chung kết Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" toàn tỉnh năm 2024 vừa qua, Trường THCS thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) vinh dự khi có 2 học sinh đạt giải cao. Đó là em Đinh Thị Thảo My (lớp 8A) đạt giải nhất và em Nguyễn Quỳnh Khánh An (lớp 8B) đạt giải ba. Ngoài ra, trong các cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" những năm trước, trường cũng luôn có học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Đạt được những thành tích đó là nhờ nhiều năm qua, công tác thư viện và phong trào đọc sách trong học sinh đã được Trường THCS thị trấn Xuân An dành nhiều sự quan tâm và đầu tư.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - cán bộ thư viện Trường THCS thị trấn Xuân An cho biết: "Bên cạnh xây dựng và trang bị cho thư viện đầy đủ tiện nghi, không gian thân thiện phục vụ cho việc đọc, hằng năm, nhà trường còn dành nguồn kinh phí bổ sung đầu sách cũng như khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đọc.
Tiêu biểu như hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhằm tuyên truyền, giới thiệu vai trò của sách, tôn vinh văn hóa đọc như: giới thiệu, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng tài nguyên sách và tài liệu điện tử có trong nhà trường để phục vụ học tập và giảng dạy; trưng bày, triển lãm sách và tuyên truyền sách ở từng lớp học; thực hiện video chia sẻ những cuốn sách em yêu thích. Đồng thời, phát động rộng rãi và tổ chức cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" cấp trường, lựa chọn bài thi tham dự cuộc thi cấp huyện, tỉnh... Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên thực hiện các tiết mục chia sẻ sách vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Nhờ đó, phong trào đọc sách trở thành nếp sinh hoạt văn hóa đối với mỗi cán bộ, giáo viên và toàn thể học sinh nhà trường".
Năm học 2024 - 2025, Trường THCS thị trấn Xuân An có 849 học sinh, với 21 lớp học ở cả 4 khối. Trường vừa hoàn thành dự án xây mới hệ thống phòng học và phòng chức năng hiện đại có 14 phòng học, 1 phòng thư viện, với tổng kinh phí 16 tỷ đồng. Trong đó, theo kế hoạch, nhà trường sẽ bố trí không gian thư viện rộng 120 m2 với nhiều tiện nghi, môi trường thân thiện cho việc đọc. Bên cạnh hệ thống thư viện truyền thống, nhà trường cũng đưa vào sử dụng thư viện điện tử để giúp cán bộ, giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận với nhiều thể loại sách, phục vụ cho việc phát triển văn hóa đọc.
Thầy Ngụy Khắc Tuệ - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Xuân An cho biết: "Chúng tôi luôn xác định đọc sách là một kênh tiếp nhận, nâng cao kiến thức, hình thành tư duy tích cực trong mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh. Qua đó, phục vụ, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Đồng thời, đối với mỗi học sinh, hình thành thói quen đọc sách cũng là cách giúp phát triển toàn diện về nhân cách, tâm hồn của những công dân tương lai. Do vậy, nhà trường luôn xem công tác phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng và luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất thư viện để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh hình thành văn hóa đọc trong nhà trường cũng như lan tỏa trong cộng đồng".
Không chỉ ở Trường Tiểu học Thạch Khê, Trường THCS thị trấn Xuân An mà khắp ở các trường học ở trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay, phong trào đọc sách đang ngày càng lan toả mạnh mẽ, góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.
Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2024 vừa diễn ra đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của học sinh tại 375 trường học ở 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) trên toàn tỉnh. Tại vòng sơ khảo (từ 12/4 - 25/5/2024), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 129.093 bài dự thi của 129.093 học sinh gửi về, trong đó có 129.004 bài viết và 89 video. Qua vòng sơ khảo cấp huyện, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 326 bài thi có chất lượng cao nhất (bao gồm: 237 bài viết và 89 video, clip) vào vòng chung kết cấp tỉnh. Kết quả, chúng tôi đã lựa chọn được 61 bài thi xuất sắc nhất để trao các giải thưởng.
Sau nhiều lần tổ chức, đây là năm cuộc thi nhận được số lượng bài tham dự cao nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy phong trào phát triển văn hóa đọc và công tác thư viện tại các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, đi vào chiều sâu. Văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi trong mỗi học sinh, cán bộ, giáo viên cũng như các bậc phụ huynh và cộng đồng.