Giáo viên Trường Mầm non Hà Linh (Hương Khê) kiểm tra trang phục, đảm bảo đủ ấm cho học sinh
Là một trong những địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt mùa đông thường thấp hơn so với miền xuôi nên việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non trong những ngày rét đậm, rét hại này được ngành giáo dục Hương Khê đặc biệt quan tâm.
Sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất đã giúp Trường Mầm non Hà Linh (Hương Khê) có những phòng học kiên cố, ấm áp trong những ngày giá lạnh
Cô Ngô Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hà Linh (Hương Khê) cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin dự báo thời tiết về đợt rét đậm, rét hại này, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai cho các giáo viên và tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh mặc ấm cho trẻ. Ngoài việc mua thêm chăn đệm, chúng tôi đã kiểm tra lại ri đô, rèm cửa để bổ sung kịp thời”.
Cô, trò Trường Mầm non Hương Thọ (Vũ Quang) trải thảm ấm để chuẩn bị cho buổi học
Cũng là một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Trường Mầm non Hương Thọ (Vũ Quang) thường xuyên đặt việc chống rét cho học sinh lên hàng đầu. Cô Đoàn Thị Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giữ ấm cho trẻ trong những ngày này, ngoài việc dừng các hoạt động ngoài giờ, chúng tôi cũng đã chủ động đủ nước ấm cho trẻ uống và dùng cho việc vệ sinh cá nhân, trải thảm lót sàn, chú ý đến quần áo ấm, tất, mũ cho các cháu. Việc chuẩn bị bữa ăn trong những ngày giá rét càng được quan tâm, đảm bảo vệ sinh và thay đổi thực đơn hợp lý góp phần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các cháu”.
Không chỉ vùng sâu, vùng xa, việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho trẻ mầm non cũng đã được các phòng giáo dục trên địa bàn các huyện, thành, thị đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Nhiều trường học tăng cường thêm chăn đệm giữ ấm cho các cháu khi ngủ
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Trong đợt rét đậm, rét hại này, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo phòng chống rét gửi đến các trường. Đối với những xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, phòng giao quyền chủ động cho các nhà trường, nếu nhiệt độ xuống dưới 11 độ C thì hiệu trưởng phối hợp với chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, trong những ngày này, các trường thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho trẻ, đảm bảo đủ nước ấm cho trẻ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, ăn uống; có cơ số chăn màn đủ ấm cho trẻ khi ngủ; sạp ngủ kê cao từ 25-30 cm. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn đến sớm để vệ sinh môi trường phòng học, phòng chức năng… đảm bảo sạch sẽ, đủ ánh sáng”.
Trên tinh thần chỉ đạo của ngành giáo dục, của các phòng và sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các nhà trường, việc giữ ấm cho trẻ mầm non trong những ngày giá lạnh được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh và sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc chăm lo cho trẻ qua các nguồn xã hội hóa xây dựng trường học khang trang, phòng học ấm áp với chăn, màn, giường, sạp đầy đủ… cũng đã là yếu tố giảm bớt gánh nặng, nỗi lo để các trường có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc cho trẻ.
Các trường mầm non những ngày này cơ bản vẫn giữ được sỹ số học sinh đến lớp, đảm bảo việc dạy học diễn ra bình thường
Nhờ thực hiện tốt những biện pháp giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, đảm bảo bữa ăn hợp vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng nên tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần ở các nhóm lớp 4-5 tuổi vẫn được duy trì đều đặn; ở nhóm nhà trẻ dẫu có giảm hơn trước nhưng số liệu thống kê ban đầu cho thấy vẫn duy trì ở mức 60-70%.
Theo dự báo, đợt rét đậm, rét hại vẫn còn tiếp tục trong nhiều ngày tới. Vì thế, cùng với những cố gắng của nhà trường, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi thời tiết, giữ ấm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho con.