Bà Võ Thị Hóa đang cho các loại rác dễ phân hủy vào hố
Ở thôn Đông Sơn (Kỳ Phong), giờ đây dọc trục đường chính hay xung quanh nhà đã không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi, thay vào đó là khung cảnh xanh - sạch - đẹp. Để có được điều đó, người dân ở đây đã thực hiện phân loại rác và xây các hố xử lý ngay tại gia đình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết đang xây dựng hố rác
Chứng kiến cách phân loại rác tại gia đình bà Võ Thị Hóa, chúng tôi nhận thấy: Các loại mảnh chai, mảnh sành được bỏ vào một thùng; lon bia, lon nước ngọt bỏ vào thùng khác, còn lại các loại dễ phân hủy vào một thùng và đưa ra hố rác.
Bà Võ Thị Hóa cho biết: "Phân loại và xử lý rác ngay tại gia đình đã góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường, đỡ chi phí cho các xe chở rác và có thêm phân để bón cho cây".
Bây giờ, trong mỗi gia đình, hội trường thôn đều có các thùng chứa và rác được phân loại ra: Rác dễ phân hủy, chất thải rắn, rác thải tái chế. Sau khi phân loại và gom các loại rác dễ phân hủy, các hộ đã dùng chế phẩm sinh học xử lý. Sau 10 ngày rác trở thành phân bón.
Đang triển khai xây dựng hố rác tại gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Khi biết mọi người trong thôn, trong xã đều làm nên chúng tôi cũng xây dựng một hố để xử lý rác, góp phần làm sạch nhà, sạch làng xóm”.
Xử lý rác bằng chế phẩm sinh học, sau 10 ngày có phân bón cho cây trồng
Bà Trần Thị Tọa - Trưởng thôn Đông Sơn cho biết: "Để góp phần bảo vệ môi trường, cán bộ xã, thôn đã tuyên truyền, vận động và được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngay sau 10 ngày phát động, toàn thôn đã xây dựng được 132 hố rác 2 ngăn và đến nay, cơ bản 100% hộ trên địa bàn đã xây dựng hố rác. Để kịp thời động viên các gia đình, khi xây dựng hố rác, thôn cũng đã hỗ trợ một hố 50 viên gạch táp-lô và 50kg xi măng.”
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong Lâm Anh Đức trao đổi: "Hiện nay, mỗi ngày xã Kỳ Phong có khoảng 6 tấn rác thải. Sau khi xây hố xử lý rác, chúng tôi phấn đấu sẽ xử lý được 5/6 phần rác thải trên địa bàn."