Tượng đài Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 ở ngã ba Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Quang Vinh
Tiếp đó là thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ và những cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến cứu nước đã đưa lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, phá tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, buộc các thế lực đế quốc phải thay đổi chiến lược đối với các phong trào dân tộc và tiến bộ xã hội.
Từ năm 1976, cả nước bắt đầu cuộc hành trình đi lên CNXH, trải qua 10 năm tìm tòi, đã đi tới một cuộc đổi mới thần kỳ vào năm 1986 mà cho đến nay, những thành tựu đạt được đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước.
Nhớ lại trước năm 1945, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác; trên 90% nhân dân bị mù chữ; nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã làm hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết. Cách mạng tháng Tám đã làm cho dân tộc ta hồi sinh. Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Bản Tuyên ngôn đã thuyết phục hàng triệu trái tim bởi một ý nghĩa rất râu sắc, rất căn bản, đó là vấn đề nhân quyền, dân quyền và chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Trung thành với mục tiêu của Cách mạng tháng Tám là độc lập dân tộc và CNXH, với những thắng lợi giành được trong hơn 70 năm qua, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu đang tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành nước độc lập, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có tiếng nói và vị trí ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới…
Công ty CP vinatex Hồng Lĩnh giải quyết việc làm cho gần 400 lao động trên địa bàn
Hà Tĩnh là một địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Nghệ An, nhân dân ta đã làm nên phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) “long trời lở đất”. Chính vì vậy, thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo; nạn đói đầu năm 1945 vô cùng ghê gớm. Người chết đói đầy đường, đầy chợ. Ở thị xã Hà Tĩnh hàng ngày phải dùng 2-3 xe bò để chở xác chết. Ở nông thôn, hầu hết các miền trong tỉnh đều bị đói, nhiều xã chết đói đến 7-8 trăm người như Đan Chế (Thạch Hà), Đô Uyên (Nghi Xuân)… Cuối năm 1944 đầu năm 1945, Hà Tĩnh có trên 5 vạn người chết đói.
Không chịu khuất phục trước kẻ thù, mùa thu cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh, người dân từ Bến Thủy đến Đèo Ngang đã nhất tề đứng lên vứt bỏ xiềng gông. Ngày 18/8/1945, chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân, Hà Tĩnh trở thành một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất. Sau khi cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, thống nhất nước nhà, nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, đưa quê hương từng bước vượt qua đói nghèo, vươn lên trong sự nghiệp đổi mới.
Hà Tĩnh không ngừng đổi mới và phát triển
Bằng những bước đi phù hợp, Hà Tĩnh có nhiều sáng tạo và sự đột phá trong sự nghiệp CNH-HĐH, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc đem lại những mùa vàng bội thu; cùng với sự ra đời của các khu công nghiệp, dịch vụ lớn như Vũng Áng, Cầu Treo…
Hà Tĩnh thực sự đang chuyển mình. Với hệ thống đường giao thông dọc ngang, điện, nước sạch, các cơ sở trường học, trạm y tế, nhà ở v.v… ngày càng khang trang, từng bước làm cho bộ mặt nông thôn, thành thị khởi sắc. Cuộc sống của đồng bào trong tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang ngày càng khấm khá…
Mùa thu năm Bính Thân, 71 năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đang vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, CNH-HĐH vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Càng suy ngẫm về những biến đổi to lớn diễn ra trên đất nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta càng thấm thía giá trị nhân văn to lớn của cuộc cách mạng do Đảng, Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo. Tất cả vì con người, hướng tới đời sống hạnh phúc của nhân dân. Đó là ý nghĩa lâu dài mà cuộc Cách mạng tháng Tám đã mang lại cho cha ông ta, cho chúng ta và muôn đời sau.