Loài hoa ấy chẳng để ngả giá chào mời bán buôn hay để nâng niu một cách thái quá trong những chiếc lọ gốm sứ được vẽ vời này nọ. Nhưng không vì thế mà hoa cải đánh mất đi hồn cốt thanh tao, nhẹ nhàng và mùi hương ngào ngạt lẫn quyện trong nắng xuân ấm áp. Có thể ví hoa cải tháng Giêng như một cô gái đang tuổi xuân thì, vừa nồng nàn, lôi cuốn, lại vừa đỏng đảnh, mong manh. Gần gũi đó mà cũng cực kỳ xa ngái, khiến người khác phải kiếm tìm mãi không thôi. Phải chăng đó cũng là đặc ân mà tạo hóa tặng thưởng cho loài hoa vô thường này?
Ảnh minh hoạ từ internet
Giữa cuống cuồng bề bộn lo toan nhưng hễ đến cuối đông se sắt và đầu xuân có nắng hanh vàng là lòng tôi lại mơ tưởng tới những mùa hoa cải nở vàng trên những triền đất thoai thoải bên bến sông quê thanh bình hay trong khu vườn rất đỗi tĩnh lặng và chỉn chu của mẹ. Nao nao nhớ những mùa cải vàng khi tôi còn nhỏ. Bởi nhận thức buổi đó còn mập mờ nên trong ngóc ngăn hoài niệm, hoa cải thoáng qua là thứ bông lâu tàn với dáng vẻ quê mùa và chẳng có gì ấn tượng. Tuy vậy, ký ức trong mỗi ban sớm cầm doa tưới nước cho rau cải thì vẫn sống động vô chừng. Thích thú nhất mỗi khi nắng lên chiếu rọi vào góc vườn, len lỏi tới từng luống cải đang bung nụ vàng chóe càng khiến cho từng cái đung đưa nơi những bông cải càng thêm phần kỳ diệu. Quá khứ ấy đã không còn thông thường, hời hợt mà trở nên rạo rực, đẹp đẽ mỗi khi hồi tưởng.
Từ giữa tháng 10 âm lịch, thời điểm bắt đầu lất phất mưa phùn, phần đông nông dân quê tôi bắt đầu bước vào mùa cấy cải. Trước đó, cải giống được gieo lên những luống đất tơi mịn có bón lót một lớp phần chuồng được che ủ lâu ngày. Cải là loài rau xanh dễ trồng nhất, khi mầm cây mới chừng 3 lá, người ta chỉ việc nhổ lên và cấy đều đặn hơn nửa gang tay một cây. Có mưa phùn hạt nhẹ đều đặn tưới tắm nên chả mấy chốc cải sinh trưởng đẹp mắt. Cải còn được cấy khắp các triền sông, trên cả những mép vồng khoai mới trồng. Khi khoai cần phân bón lót cũng là lúc cải vàng hóa ngồng bước vào mùa thu hoạch. Một công đôi việc, năm nào cũng thế, những mùa cải vàng tháng Giêng bên bến sông, bởi đó đã bước ra trong thơ ca, nhạc họa với vẻ đẹp mỹ miều xen lẫn cả nuối tiếc, nhớ nhung: “Tôi lại gieo hạt cải/Lại âm thầm đợi mong/ Có một người con gái/ Đợi tôi chưa lấy chồng”.
Tết ở quê cũ không thể thiếu rau cải, bởi ngày tết thịt mỡ, bánh trái đầy dư nên những món ăn kèm với cải lại đưa cơm hơn cả. Mà cũng không riêng gì ngày tết, ngày thường, cải cũng là loài rau xanh có thể chế biến thành những món ngon lành. Cải chua cắt ngắn xào lòng gà, lòng heo. Cải xanh nấu canh với tôm tép, cá biển, cá đồng. Cải mầm trộn thịt bò kèm rau sống đủ loại. Cải luộc chấm nước mắm dầm trứng gà cũng là thức vị thơm ngát, hấp dẫn. Cải trồng trên đất càng nhiều phù sa thì dẫu đó là cải cay đi chăng nữa cũng sẽ mất hẳn vị đắng chát mà giữ lại tất cả vị ngọt thanh vốn có. Cải quê kiểng, dân dã với trẻ con lẫn người già. Cải quyến luyến và thơm tho từ trong tâm tưởng của một thời khốn khó và cả đến hôm nay, dẫu cơm no, áo ấm, cải vẫn ngọt ngào dậy hương như món ăn ngày thường của đứa trẻ đói khó nhà quê dạo ấy đã say sưa ăn.
Mùa hoa của mộc mạc, phiêu bồng. Loài hoa của tuổi xuân bối rối và tình yêu cháy mãi - cải vàng tháng Giêng!