Đại biểu tham dự hội nghị
Sáng 24/2, Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện; các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Ửy viên Ủy ban MTTQ huyện và đại diện các phòng, ban, ngành chuyên môn. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long: Dự thảo lần này vẫn chưa thể chế đầy đủ quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW, chưa quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm của toàn dân với tư cách là chủ sở hữu về đất đai theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và các quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch và phát huy tối đa nguồn lực đất đai.
Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Cẩm Xuyên Biện Văn Thanh: Điểm H, Khoản 1, Điều 80 nên phân đất nông nghiệp thành 2 loại: đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm để quy định cụ thể về thủ tục thu hồi; Điểm I, Khoản 1, Điều 80 điều chỉnh thời gian chậm thực hiện tiến độ dự án từ 48 tháng xuống 24 tháng...
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý các nội dung trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày của dự thảo luật; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về sở hữu toàn dân về đất đai; quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và quyền của Nhân dân được sử dụng đất công bằng, hiệu quả và bền vững; vai trò chủ thể của Nhân dân, của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội...
Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh Trần Văn Khiên: "Cần có quy định riêng đối với chuyển nhượng đất ông cha để lại để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Hội nghị cũng cho ý kiến vào các quy định về trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Sỹ Huyền: Tại Điều 31 về nghĩa vụ của người sử dụng đất, đề nghị bổ sung “Giao lại đất khi Nhà Nước có quyết định thu hồi đất theo quy định tại Điều 77, 78 của Luật này”.
Một số đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn chưa thể chế đầy đủ quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW, chưa quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm của toàn dân với tư cách là chủ sở hữu về đất đai theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật có liên quan, trong các văn bản hướng dẫn thi hành và trong chính các điều luật.
Cụ thể, Điểm H, Khoản 1, Điều 80 nên phân đất nông nghiệp thành 2 loại: đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm để quy định cụ thể về thủ tục thu hồi; Điểm I, Khoản 1, Điều 80 cần điều chỉnh thời gian chậm thực hiện tiến độ dự án từ 48 tháng xuống 24 tháng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà: Dự thảo lần này cần khắc phục những hạn chế về việc mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thông qua hội nghị, huyện Cẩm Xuyên đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của các tổ chức thành viên trong tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); qua đó, góp phần đưa Luật Đất đai sửa đổi phù hợp với thực tiễn đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong tham gia góp ý sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều đang được tổ chức lấy ý kiến theo nhiều hình thức đa dạng, thực chất theo yêu cầu Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170 của Chính phủ. |