Tác giả Trần Đức Cường (Hội viên chuyên ngành thơ - Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh): Cần có kế hoạch dài hơi để “đãi cát tìm vàng”, bồi dưỡng thế hệ kế cận
Hà Tĩnh là mảnh đất của thi ca với những tên tuổi lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Huy Cận, Xuân Diệu… Thế nhưng, hiện nay, chúng ta lại đang “khát” những cây viết có “danh”. Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh có gần 100 hội viên chuyên ngành thơ. Nhưng hội viên chuyên ngành thơ Hội Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống ở Hà Tĩnh thì chỉ có 4 người, trong đó 1 tác giả mới được kết nạp vào cuối năm 2018.
Ngoài con số ít ỏi nói trên, chúng ta chưa có những tác giả, tác phẩm vươn tầm, khẳng định vị thế của mình trong địa hạt thơ ca đương đại Việt Nam. Theo tôi, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh các tác giả - nhất là tác giả trẻ - trong hoạt động sáng tác. Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và các ban, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch dài hơi để “đãi cát tìm vàng”, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, bởi hiện đang có nguy cơ “già hóa”, “tre” già mà “măng” lên chậm.
Anh Bùi Đình Hải (Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh trẻ Hà Tĩnh): Mong được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để trau dồi kỹ thuật và thỏa mãn đam mê
Ở TP Hà Tĩnh hiện có rất nhiều bạn trẻ đam mê với môn nghệ thuật nhiếp ảnh, nhiều người trong số họ đang tìm hiểu sâu để đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sau các đợt sáng tác, có những tác phẩm được đánh giá tốt, được ghi nhận bởi lớp đàn anh đi trước. Đầu năm 2018, CLB Nhiếp ảnh trẻ Hà Tĩnh ra đời, trở thành diễn đàn cho những người trẻ có chung niềm đam mê trao đổi nghiệp vụ, là sân chơi của các tay máy chuyên và không chuyên.
Bên cạnh hoạt động chính đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến dã ngoại sáng tác, tình nguyện đến các miền quê, địa chỉ cộng đồng. Là quản lý của CLB Nhiếp ảnh trẻ Hà Tĩnh, tôi mong muốn CLB có cơ hội giao lưu, học hỏi với những CLB ảnh khác, nhận được sự ủng hộ của các lớp đàn anh đi trước để cùng tạo ra sân chơi mới, bổ ích nhằm góp thêm kinh nghiệm cho các bạn trẻ trong hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật của Hà Tĩnh.
Thầy Bùi Đức Ái (Giáo viên Trường Tiểu học Bình Lộc, Lộc Hà): Có chính sách hỗ trợ nhạc sỹ trẻ và mở rộng các kênh quảng bá tác giả, ca khúc mới đến công chúng
Có người từng nói: “Khi nghệ thuật muốn đưa xuống đường phố, thì trình độ dân trí phải được nâng lên”. Điều đó có nghĩa là việc giáo dục nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng để công chúng hình thành một trình độ văn hóa âm nhạc tối thiểu là hết sức quan trọng. Hiện nay, ở Hà Tĩnh còn thiếu những tác phẩm mang tính thời sự, phản ánh kịp với hơi thở của thời đại… Chúng ta đang mò mẫm, loanh quanh theo những chủ đề cũ đã làm cách đây hàng chục thập kỷ.
Với tư cách là người trực tiếp truyền đạt, giảng dạy, sáng tác âm nhạc của tỉnh nhà, tôi mong muốn có nhiều sân chơi âm nhạc hơn nữa, đồng thời đưa những sáng tác mới vào nhà trường và cơ sở giáo dục. Cùng đó là hỗ trợ tác giả trẻ trong hoạt động sáng tác bằng cách tăng thời lượng công bố, giới thiệu và quảng bá trên sóng phát thanh, tạp chí…, hỗ trợ, động viên những tác giả có sáng tác mới để khuyến khích tính sáng tạo nghệ thuật.
Cô Trần Thị Tú Ngọc (Giáo viên Trường THPT Hương Khê): Tạo môi trường hoạt động văn học thuận lợi để người viết có thể đi được con đường dài lâu với văn chương
Tiếp nối truyền thống văn học của thế hệ trước, nhiều nhà văn Hà Tĩnh hôm nay tiếp tục khẳng định mình trong văn đàn cả nước. Tuy nhiên, hoạt động sáng tác văn học Hà Tĩnh thời gian gần đây còn trầm lắng, đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ sáng tác trẻ. Những người viết trẻ chúng tôi nhập cuộc với văn chương trong một tâm thế say mê và hào hứng, viết như một nhu cầu tự thân để chia sẻ với thế giới xung quanh. Đó là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của người viết trẻ.
Điều cần nhất để phát triển sáng tác là người viết phải có phông văn hóa đủ rộng, có vốn sống, vốn trải nghiệm đủ sâu và một quyết tâm dấn thân thực sự. Nhưng, để có thể đi được một con đường dài lâu với văn chương, ngoài nỗ lực tự thân của mỗi người viết, chúng tôi cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía các cơ quan quản lý để có một môi trường hoạt động VHNT thuận lợi nhất. Nên có các cuộc thi định kỳ cho cây bút trẻ, các trại sáng tác văn học trong và ngoài tỉnh cũng như xây dựng các kênh khác nhau để đưa tác phẩm văn học đến với công chúng.