Can Lộc - vùng quê huyền thoại

(Baohatinh.vn) - Trải dài từ đầu Mênh đến cuối Sót, qua hàng trăm năm phát triển, Thiên Lộc - Can Lộc luôn là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh bởi bề dày văn hóa và truyền thống cách mạng. Nơi đây, mỗi địa danh đều mang những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

Vùng quê địa linh nhân kiệt

Theo sử sách, thuở sơ khai, Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân. Sau nhiều lần đổi tên thành Phù Lĩnh, Việt Thường, Phúc Lộc, Thiên Lộc, năm 1862, vua Tự Đức cho đổi thành huyện Can Lộc.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Ngã ba Đồng Lộc đã tạc vào thế kỷ một huyền thoại về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Tĩnh.

Thời nào, Can Lộc cũng có những nhân tài, trụ cột cho nước nhà như Ðặng Tất, Ðặng Dung, Ðặng Bá Tĩnh, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiếp…. Vùng đất này còn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, từng được ngợi ca là “Bút Cấm Chỉ - sĩ Thiên Lộc”.

Theo sử sách, Can Lộc có 42 vị đỗ đại khoa (chiếm 1/3 số người Hà Tĩnh) được ghi danh trên bảng vàng Văn miếu Quốc Tử Giám. Từ người khai khoa Thái học sinh Đặng Bá Tĩnh cho đến Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, Thám hoa - Danh sư Nguyễn Huy Oánh, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Tiến sĩ Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Hà Tôn Mục, Vũ Diệm… đều đã cống hiến cho đất nước nhiều công trạng trên nhiều lĩnh vực.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Hoàng hoa sứ trình đồ (Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích.

Đất Can Lộc cũng là mạch nguồn góp phần làm nên Văn phái Hồng Sơn danh tiếng bởi những người con dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Nổi tiếng là 2 tác phẩm “Truyện Hoa Tiên” của Nguyễn Huy Tự, “Mai đình mộng ký” của Nguyễn Huy Hổ. Vùng đất này cũng là cái nôi của hát ví phường vải, cội nguồn của dân ca ví, giặm; là “quê hương” của 2 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ.

Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng từ thuở ông cha vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối. Trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Can Lộc đã vùng dậy đấu tranh, làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh quật cường. Nơi đây cũng là một trong những huyện đầu tiên giành chính quyền về tay Nhân dân trong những ngày Cách mạng tháng Tám sục sôi.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Làng K130 hôm nay

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Can Lộc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chỉ trong một đêm, Nhân dân làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc cũ đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho đoàn xe vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, viết nên câu chuyện huyền thoại về làng K130.

Đặc biệt, Ngã ba Ðồng Lộc với sự hy sinh của hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông để giữ vững huyết mạch giao thông đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó, sự hy sinh của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã tạc vào thế kỷ một huyền thoại về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Tĩnh.

Đánh thức những tiềm năng

Đứng lên từ trong đau thương, mất mát, người dân quê hương Xô Viết lại sát cánh bên nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Hành tăm Thiên Lộc đã giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, Can Lộc tập trung mũi đột phá bằng việc phát triển lợi thế huyện nông nghiệp từ 3 vùng kinh tế: Vùng Trà Sơn với thế mạnh cây ăn quả, kinh tế trang trại, chăn nuôi; vùng giữa với các mô hình cánh đồng thửa lớn một giống, sản xuất theo hướng liên kết; vùng ven chân núi Hồng với các loại hoa màu.

Bên cạnh đó, Can Lộc đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... Ngoài ra, còn tích cực phối hợp với các địa phương, các đơn vị dịch vụ du lịch, liên kết xây dựng các tour, tuyến phát triển du lịch...

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Can Lộc là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh áp dụng máy cấy trên những cánh đồng thửa lớn. Ảnh tư liệu

Những năm gần đây, diện mạo Can Lộc đã có những bước tiến mới. Từ vùng nông thôn đến đô thị, từ nơi bị chiến tranh giày xéo đến nơi ít bị ảnh hưởng của bom đạn, ở đâu cũng in đậm dấu ấn của sự đồng thuận, quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng cho biết: “Bài học lớn về vận động sức dân, huy động mọi nguồn lực xã hội đã được Can Lộc vận dụng có hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Chủ trương, đường lối thấm nhuần vào thực tiễn, người dân nhận thức được nông thôn mới là lấy sức dân lo cho cuộc sống của dân…. Tất cả đã tạo nên sức mạnh mới để “khó vạn lần dân liệu cũng xong””.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Người dân tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm (Ảnh chụp ở xã Tùng Lộc)

Trong 10 năm, toàn huyện đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng từ các nguồn lực. Chung tay, hợp sức trong phong trào này chính là hàng triệu ngày công, hàng trăm ngàn m2 đất, tài sản trên đất được Nhân dân hiến tặng để mở rộng đường làng, ngõ xóm, hạ tầng giao thông... Và, thật đáng tự hào khi năm 2019, Can Lộc đã bứt phá trở thành huyện về đích nông thôn mới thứ 2 của Hà Tĩnh, cán đích trước kế hoạch 1 năm.

Ông Trần Hậu Hòa (94 tuổi, ở xã Khánh Vĩnh Yên) - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: “Tôi gặp lại khí thế sục sôi của một thời cách mạng qua phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương hôm nay. Sức mạnh đồng thuận của bà con đã làm hồi sinh vùng đất bị tổn thương nặng nề bởi chiến tranh, cuộc sống đã bước sang trang mới”.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Ông Trần Hậu Hòa (bên trái) đóng góp những kinh nghiệm xây dựng khối đoàn kết toàn dân với lãnh đạo xã Khánh Vĩnh Yên

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khóa XXXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Can Lộc tiếp tục bắt tay vào những mục tiêu mới, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao trước năm 2025.

Cùng với việc củng cố, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, hiện nay, người dân Can Lộc đang trong khí thế sôi nổi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Đó là chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất… Từ năm 2020 đến nay, Nhân dân Can Lộc đã đồng lòng hy sinh quyền lợi cá nhân, thực hiện thành công bước đầu “cuộc cách mạng” chuyển đổi đất lần 3.

Việc phá bờ vùng bờ thửa đã được Nhân dân hưởng ứng tích cực để hình thành nên những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở Can Lộc đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,04%.

Can Lộc - vùng quê huyền thoại

Diện mạo nông thôn mới ở Can Lộc ngày càng khởi sắc (Ảnh chụp ở xã Thiên Lộc).

Đến nay, Can Lộc đã có 3/16 xã được công nhận NTM nâng cao, 5 xã phấn đấu về đích NTM nâng cao, 1 xã phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu trong năm nay. Hiện nay, thị trấn Đồng Lộc và thị trấn Nghèn cũng đang trong hành trình xây dựng đô thị văn minh.

Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, Can Lộc đang hướng tới lễ kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 tái lập tỉnh bằng nhiều việc làm thiết thực. Niềm tự hào về truyền thống quê hương, niềm tin về cuộc sống mới là động lực để Nhân dân Can Lộc vẽ thêm bức tranh về quê hương bằng những sắc màu tươi sáng.

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.