“Rác” trên không gian mạng đầu độc trẻ nhỏ
Thơ Nguyễn là cái tên khá quen thuộc với những người dùng mạng ở Việt Nam, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Kênh Youtube của cô gái sinh năm 1992 này sở hữu tới hơn 8,74 triệu lượt người theo dõi - luôn lọt top những kênh có lượng người xem đông đảo ở Việt Nam.
Kênh Youtube của Thơ Nguyễn “hứng bão” chỉ trích từ dư luận sau khi đăng tải clip dùng búp bê Kumathong xin vía học giỏi cho trẻ em (Ảnh chụp màn hình).
Đối tượng mà kênh này nhắm đến là trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học. Việc thiếu kiểm soát nội dung đã nhiều lần khiến chủ kênh này bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt. Sau khi video clip dùng búp bê giống Kumathong (một loại búp bê mang ý nghĩa mê tín dị đoan) để “xin vía” học giỏi cho các bạn nhỏ được đăng tải mới đây, rất nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh đã bày tỏ bức xúc.
Con gái chị Trần Thị Thoa (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) năm nay học lớp 3, cháu là một fan của kênh Youtube Thơ Nguyễn. Trước đây, dù không thật sự ấn tượng tốt với những video được kênh này đăng tải, nhưng chị Thoa vẫn không cấm con xem. Tuy nhiên, khi bắt gặp con xem clip “xin vía”, chị Thoa mới thật sự hốt hoảng: “Làm clip cho trẻ nhỏ mà mang yếu tố ma quái, mê tín dị đoan như vậy rất dễ khiến trẻ hiểu nhầm, có những suy nghĩ, hành động lệch lạc. Tôi đã phải cấm con tiếp tục xem kênh này”.
Rất nhiều kênh hướng tới trẻ em chứa hình ảnh, clip thiếu tính giáo dục, phản cảm (Ảnh chụp màn hình).
Trước đó, Youtuber Thơ Nguyễn cũng đã từng “hứng bão” chỉ trích của dư luận vì đăng tải những clip có nội dung không phù hợp, gây nguy hiểm cho trẻ em như: Làm bồn tắm thạch Gelli Baff, cho đá khô vào chai nước kín, thử nghiệm đun lon nước ngọt để theo dõi hiện tượng phát nổ; một số video thử thách 24h sống ở bãi rác, lênh đênh trên hồ nước, sống trong thùng giấy, gầm bàn, nhà phao...
Hiện nay, không chỉ có kênh Thơ Nguyễn mà trên mạng internet xuất hiện rất nhiều kênh giải trí liên quan hướng tới trẻ em nhưng lại chứa các video nội dung bạo lực, phản cảm, chưa được kiểm soát chặt chẽ như: Heo Peppa phiên bản kinh dị, Elsa mang bầu, thử thách cùng MoMo...
Những video nội dung thiếu tính giáo dục, thẩm mỹ đã khiến nhiều trẻ em bắt chước, gây nguy hiểm cho bản thân, lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống...
Cần tạo cho con “vắc-xin” trên không gian mạng
Có một nghịch lý, những video chứa nội dung “rác” trên internet lại gây hứng thú, kích thích sự tò mò của các khán giả nhí nên việc kiểm soát càng trở nên khó khăn.
Ở lứa tuổi nhận thức chưa đầy đủ, trẻ em rất dễ bị thu hút bởi những nội dung không phù hợp trên không gian mạng.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm (huyện Lộc Hà) bày tỏ: “Thiết bị công nghệ đã trở thành thứ không thể thiếu trong đời sống hiện đại nên nếu cấm con không được tiếp cận là điều không thể và cũng không nên, bởi “mù công nghệ” cũng là một thiệt thòi cho con. Nhưng, để kiểm soát những nội dung mà con theo dõi trên mạng thì không hề dễ dàng chút nào”.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - Đại học Hà Tĩnh cho rằng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì trước hết phải là trách nhiệm của phụ huynh. Việc cấm con xem các thiết bị công nghệ có thể hạn chế được tác động từ những loại hình văn hóa tiêu cực nhưng giải pháp này không có được sự đồng thuận, tự giác ở trẻ bởi trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu rằng, cha mẹ chỉ muốn bảo vệ con.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa (bên trái) trao đổi về trách nhiệm đồng hành cùng con của phụ huynh trong môi trường mạng.
“Giải pháp mang tính lâu bền phải là giáo dục con từ gốc rễ của vấn đề bằng cách tìm hiểu những gì con đang hứng thú xem trên mạng. Từ đó, cùng con đối diện, phân tích xem nó mang ý nghĩa giáo dục gì? Tiềm ẩn những rủi ro nào? Nếu cùng con trả lời được những câu hỏi đó là bố mẹ đang giúp con tạo ra “vắc-xin” phòng ngừa những nguy cơ xấu độc từ không gian mạng” - Tiến sỹ Hòa chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi biểu hiện cảm xúc, hành động, thói quen của con trong cuộc sống hằng ngày để kịp thời nhận ra những thay đổi bất thường. Đồng thời, cũng cần dành thời gian vun đắp, xây dựng nhân cách, tâm hồn cho trẻ bằng việc dạy con về lòng biết ơn, tính thật thà, yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh… Khi trẻ được trang bị nền tảng văn hóa cơ bản thì gặp những hình ảnh phản cảm, hiện tượng tiêu cực, con sẽ có đủ nhận thức, kỹ năng để đánh giá, phân tích và tự loại bỏ.