Những giá trị văn hóa của các làn điệu dân ca ví, giặm tiếp tục được các thế hệ con em Hà Tĩnh gìn giữ và phát huy. Ảnh: Nam Giang
Câu hò, điệu ví quê hương lúc vút cao thênh thang trên đỉnh núi, lúc âm thầm cuộn sóng đáy sông sâu, hay nhịp điệu hối hả khi vào mùa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người con Xứ Nghệ. Những câu hát dân ca luôn thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở, cho người dân lam lũ thêm sức sống lạc quan mà vươn lên trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, để che chở, dìu dắt nhau nối tiếp từ đời này qua đời khác.
Nói về loại hình nghệ thuật này, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thanh Minh bồi hồi xúc động nhớ về người mẹ một thời tần tảo sớm hôm chèo đò nuôi con khôn lớn. Từ những tháng ngày gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng năm 1964 đến khi tham gia công tác tại Đội Thông tin văn hóa Đoàn 22B, Đoàn Văn công Quân khu IV… rồi về hưu, trong lòng ông vẫn luôn nuôi dưỡng, bồi đắp niềm đam mê cháy bỏng với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
“Sông Ngàn Sâu nặng tình câu ví, giặm qua lời ru ầu ơ của mẹ; mảnh đất nơi tôi sinh ra như suối nguồn phù sa màu mỡ của âm nhạc dân gian, cùng với đó là bản sắc địa phương về ca từ, giọng điệu đã giúp tôi “sinh thành” những đứa con tinh thần thấm đẫm hồn quê” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thanh Minh chia sẻ. Những hoạt cảnh, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh lời mới do ông sáng tác như: Khúc hát cội nguồn, Khúc hát nghĩa tình, Duyên phường vải, Khúc hát Tân Giang… đã ca ngợi tình cảm thủy chung, vẻ đẹp quê hương, đất nước, tinh thần hăng say lao động của người dân trên quê hương Ngàn Hống, sông La. Đến nay, dù tuổi đã cao, ông vẫn không ngơi nghỉ mà tiếp tục truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, mở các lớp dạy hát dân ca, tổ chức sinh hoạt dân ca ví, giặm gia đình…
Mang trong mình cả hình bóng quê hương, được sáng tạo bởi quần chúng nhân dân lao động, dân ca, ví giặm đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân. Nhiều CLB dân ca ví, giặm của những “nghệ sỹ làng” ra đời, hoạt động hiệu quả. Người hát, người viết lời, người dàn dựng…, tất cả gắn với nhau bằng niềm đam mê bất tận với những câu hò, điệu ví. Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Chủ nhiệm CLB Dân ca phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Như một lẽ tự nhiên, những người cùng chung tình yêu với dân ca ví, giặm đã cùng lập nên CLB này. Đến nay, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực duy trì CLB cũng như mở rộng, thu nạp thêm thành viên”. Từ 5 thành viên hạt nhân đầu tiên, sau 3 năm thành lập, CLB đang có 19 thành viên, trong đó có 7 học sinh yêu thích bộ môn này. 3 nghệ nhân dân gian, 1 nghệ nhân ưu tú là những người phụ trách viết lời chính cho các tiết mục sinh hoạt. Ai nấy đều trăn trở, dày công sưu tầm lời cổ, tâm huyết viết lời mới theo các làn điệu dân ca ví, giặm như ca ngợi quê hương, đất nước, tuyên truyền phòng chống ma túy, bạo lực gia đình… Trong ánh mắt của những “nghệ sỹ không chuyên” ấy luôn ánh lên niềm đam mê cháy bỏng với dân ca ví, giặm và họ đã gác bỏ những bận rộn, khó khăn để giành giải cao tại các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ như: Giải A cuộc thi Liên hoan dân ca ví, giặm TP Hà Tĩnh năm 2015, giải B hội thi Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016…
Khúc hát dân ca ví, giặm không chỉ ngân vang trên đất Thành Sen mà còn ăn sâu trong đời sống văn hóa - văn nghệ, sinh hoạt dân gian khắp các vùng miền trong tỉnh. Dân ca ví, giặm cũng đã được đưa vào trường học với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, thu hút sự tham gia, khơi gợi niềm đam mê trong lớp trẻ. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được
UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những kết quả đó cho thấy rằng: Lời dặn của Bác Hồ về tình yêu với những làn điệu dân ca - ngọn nguồn của tình yêu Tổ quốc - đang được khắc sâu trong muôn trái tim con người Hà Tĩnh.