Ngày 26/10/2023, tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) xảy ra vụ cháy tại cơ sở thu mua phế liệu khiến 4 người thương vong.
Đau lòng hơn đây không phải là vụ cháy nổ đầu tiên xảy ra ở cơ sở kinh doanh phế liệu gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn nhà xảy ra cháy ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh Báo Quân đội Nhân dân.
Trước đó, năm 2020, tại Hà Đông (Hà Nội) khu vực bãi phế liệu của một cửa hàng bán đồ gỗ cũng xảy ra cháy lớn, thiêu rụi nhiều tài sản.
Năm 2018, tại tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra vụ nổ lớn tại một cơ sở thu mua phế liệu khiến 2 cháu bé tử vong, nhiều người khác bị thương, nhiều ngôi nhà đã bị đổ sập. Năm 2016, tại Hà Đông (Hà Nội) xảy ra một vụ nổ ở điểm thu mua phế liệu làm 5 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương...
Tại Hà Tĩnh, theo thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 1.000 cơ sở kinh doanh phế liệu. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh phế liệu.
Các cơ sở kinh doanh phế liệu đa phần được xây dựng khá sơ sài, tạm bợ; bên trong chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy; địa điểm thu mua, tập kết nằm liền kề nhà dân, trong các khu dân cư đông đúc. Vì vậy, chỉ cần sơ suất nhỏ có thể dẫn đến cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Công an xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) kiểm tra điều kiện PCCC tại cơ sở thu mua phế liệu ở thôn Minh Tiến.
Nhận thức được “ngòi nổ” của các cơ sở thu mua phế liệu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành kiểm tra, thanh tra các điều kiện kinh doanh của loại hình này.
Là địa bàn có khá nhiều cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu, thời gian qua, Công an TP Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra, rà soát đột xuất và định kỳ, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh thực hiện quy định về PCCC&CNCH.
Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền để chủ cơ sở kinh doanh phế liệu trang bị các thiết bị PCCC.
Đại úy Nguyễn Xuân Phương - Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH (Công an TP Hà Tĩnh) cho biết: “Qua các đợt kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh phế liệu cho thấy, đa số các chủ cơ sở đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, từ đó trang bị bình chữa cháy tại chỗ, sắp xếp vật tư hàng hóa gọn gàng, đảm bảo lối thoát nạn.
Đối với các cơ sở chưa đảm bảo, đội tiến hành xử lý vi phạm hành chính và thường xuyên giám sát, nhắc nhở chấp hành. Từ đầu năm đến nay, đội đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 3/21 cơ sở kinh doanh phế liệu không chấp hành quy định về PCCC”.
Bên cạnh các cơ sở kinh doanh đảm bảo an toàn về PCCC, trên địa bàn vẫn còn nhiều chủ cơ sở vi phạm các quy định đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình kinh doanh như: sắp xếp vật tư, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn; bố trí phương tiện, hàng hóa cản trở lối thoát nạn; hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC...
Ngoài ra, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, tự phát, kết hợp kinh doanh và ở gia đình, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, an toàn về PCCC.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh phế liệu ở Hà Tĩnh có địa điểm ở gần sát nhà dân, ngay trong khu dân cư.
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: “Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh phế liệu biện pháp về PCCC. Chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, kịp thời chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn, từ đó yêu cầu chủ các cơ sở nâng cao nhận thức về PCCC.
Lực lượng chức năng cần cương quyết xử lý những trường hợp không chấp hành quy định về PCCC; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo quy định về PCCC; đối với các điểm ở gần khu dân cư phải kiên quyết đưa ra khỏi khu dân cư. Đặc biệt, hơn ai hết, các chủ cơ sở cần nêu cao ý thức cảnh giác, luôn tuân thủ nghiêm các quy định trong PCCC để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người”.