Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh).
- PV: Ông có thể khái quát về tình hình công tác PCCC&CNCH tại Hà Tĩnh từ đầu năm 2023 đến nay?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 98 vụ cháy, chủ yếu là bén cháy, cháy nhỏ, cháy thiệt hại không đáng kể (được xử lý ngay từ ban đầu); không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng (riêng thiệt hại từ các vụ cháy phương tiện giao thông gần 1,5 tỷ đồng).
Một chiếc xe tải chở bánh kẹo, cuộn nilon đang lưu thông trên tuyến đường tránh TX Kỳ Anh bỗng nhiên bốc cháy.
Xác định PCCC&CNCH là một trong những công tác trọng tâm góp phần đảm bảo ANTT, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã tập trung chỉ đạo các mặt công tác theo hướng khẩn trương, quyết liệt, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Đơn vị đã chủ động tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp PCCC&CNCH. Thường xuyên rà soát, điều tra cơ bản, phân loại địa bàn, cơ sở; thực hiện phân công, phân cấp cho từng đơn vị, cá nhân. Quyết liệt, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Tập trung thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH; kịp thời phát hiện, hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại, thiếu sót. Phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Triển khai công tác chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả…
Qua đó, tình hình cháy nổ trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, số vụ cháy và thiệt hại do cháy giảm so sâu so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 118 vụ).
Thành viên trong tổ liên gia tại Hà Tĩnh tham gia tích cực vào thực tập phương án PCCC tại “Tổ liên gia an toàn về PCCC” tối 10/9.
- PV: Thực trạng công tác PCCC&CNCH ở các hộ gia đình hiện nay đang đặt ra những khó khăn gì, thưa ông?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an các địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo song số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình, nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy xuất phát từ bất cẩn, chủ quan trong sinh hoạt hằng ngày và ý thức chủ quan trong PCCC.
Thôn Đông Vịnh, xã Cẩm Vịnh là khu dân cư đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên phủ kín 100% hộ gia đình thực hiện mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”.
Trong đó, bất cẩn trong sinh hoạt luôn tiềm ẩn các vụ cháy, nổ cao. Xuất phát từ hành động tưởng chừng đơn giản như quên rút phích cắm bàn là quần áo, quên tắt thiết bị tiêu thụ điện, thắp hương thờ cúng tại các vị trí có nhiều chất cháy nhưng không bố trí người theo dõi, sạc xe điện, điện thoại qua đêm...
Các vụ cháy xảy ra gần đây hầu hết diễn ra vào ban đêm hoặc ngày lễ. Đây là thời điểm dễ thương vong về người.
Bên cạnh đó, việc sắm sửa các thiết bị PCCC chưa thực sự được coi trọng và còn bị động, nhiều gia đình chưa trang bị phương tiện tại chỗ (hệ thống báo cháy, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ...). Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ trong công tác tập huấn, trang bị kỹ năng PCCC. Vì vậy, nếu xảy ra cháy sẽ dẫn đến tâm lý hoảng loạn, xử lý sai quy trình, kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc thiếu lối thoát nạn thứ 2 cũng tồn tại nhiều bất cập, nhất là đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.
Đặc biệt, vụ cháy chung cư mini thảm khốc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra đêm 12/9 vừa qua càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong kỹ năng xử lý và thiếu lối thoát nạn. Rất nhiều vấn đề đặt ra từ những vụ cháy đã xảy ra khiến mỗi chúng ta cần thực sự nâng cao hơn nữa ý thức PCCC tại hộ gia đình.
- PV: Để hạn chế rủi ro, tổn thất về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình, ông có thể hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản để người dân thực hiện?.
Khi có cháy nổ xảy ra, người dân cần gọi điện thoại báo cháy đến lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114 hoặc ứng dụng Báo cháy 114.
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Khi phát hiện xảy ra cháy, nổ, người dân cần tuân thủ theo các bước sau: Đầu tiên, nhanh chóng hô hoán, báo động (đánh kẻng, nhấn nút ấn báo cháy…) để mọi người biết, tổ chức chữa cháy, cứu nạn; gọi điện thoại báo cháy đến lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114 hoặc ứng dụng Báo cháy 114.
Tiếp đó, khẩn trương cắt điện tại khu vực xảy ra cháy và sử dụng phương tiện chữa cháy. Đồng thời, hướng dẫn thoát nạn, cứu người bị nạn; di chuyển tài sản có giá trị ra khỏi khu vực có nguy cơ cháy lan.
Trường hợp sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu không hiệu quả, người tham gia cứu chữa nhanh chóng di chuyển ra bên ngoài. Đón xe chữa cháy và phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để tham gia chữa cháy, cứu nạn.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân một số kỹ năng thoát nạn tại hộ gia đình.
Đối với kỹ năng thoát nạn tại hộ gia đình, người dân cần thoát ra ngoài theo lối cửa chính nếu chưa bị lửa, khói bao trùm. Quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng (sử dụng khăn mặt, vải nhúng nước hoặc mặt nạ lọc độc). Quá trình di chuyển cần thấp người như cúi khom hoặc bò và men theo tường.
Trường hợp điểm xuất phát cháy tại tầng 1, tầng phía dưới tầng đang ở, không thoát ra ngoài qua tầng 1 được, tìm lối thoát phụ khác tại các tầng thấp (ban công, lô gia - là phần hành lang có một mặt hướng ra ngoài và bị giới hạn bởi phạm vi của công trình và sử dụng các phương tiện như thang dây, ống tụt... đảm bảo được buộc vào các cấu kiện vững chắc). Ở các tầng cao, phải nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, mặt nạ lọc độc (nếu có), di chuyển lên tầng trên, vào một phòng bất kỳ có lối ra qua cửa sổ, ban công, lô gia; sử dụng khăn vải ướt, chèn vào khe cửa, sử dụng băng dính dán vào cánh cửa để khói khí độc không vào được trong phòng; di chuyển ra ban công, lô gia để thoát nạn qua lối ra khẩn cấp hoặc hô hoán, báo hiệu, gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Mỗi hộ gia đình cần trang bị thiết bị, dụng cụ chữa cháy, đảm bảo có thể ứng phó tốt khi có tình huống bất ngờ về cháy, nổ.
Trường hợp người đang ở trong phòng kín khi phát hiện có cháy cần mở cửa xem có thể thoát nạn qua cầu thang bộ xuống tầng 1 hoặc lên tầng trên, tầng mái được không. Khi không thể thoát nạn ra ngoài cần bình tĩnh, nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, chèn vào khe cửa, dùng băng dính dán vào cánh cửa để khói khí độc không vào được trong phòng, di chuyển ra ban công, lô gia để thoát nạn qua lối ra khẩn cấp hoặc hô hoán, báo hiệu.
Trường hợp tại lô gia, ban công, tầng mái có lồng sắt bao bọc phía ngoài (chuồng cọp) mà không có sẵn ô cửa thoát nạn hoặc có nhưng bị khóa (không có chìa khóa, bị kẹt), nên bình tĩnh di chuyển ra vị trí thuận lợi để hô hoán, báo hiệu, đồng thời chủ động tìm kiếm và sử dụng các vật dụng như búa, các thanh thép cứng khác mở rộng ô trên lồng sắt.
Người dân cần hết sức lưu ý, tuyệt đối không dùng thang máy, không chạy vào nhà vệ sinh, tủ, gầm giường để trốn tránh; không vội vàng nhảy từ trên cao xuống khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn.