Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khi hoàn thành, công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết nối hoạt động KT - XH của tỉnh, nhất là KKT Vũng Áng với các địa phương trong cả nước.

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, chiều 6/1, các đoàn ĐBQH đã tiến hành thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

Phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chiều 6/1.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

Các đại biểu tham dự thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh có gần 109 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua. Cụ thể, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km (trong đó có 4,84 km đi qua địa bàn tỉnh), hiện đã bàn giao mặt bằng sạch và đang triển khai thi công; đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 36 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài 54 km và đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km (trong đó đoạn đi qua địa bàn dài 14 km).

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nêu rõ: việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết, bởi thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng triển khai dự án, trong đó có đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh, đại biểu cho rằng phương án tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện là phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương có đường cao tốc đi qua lại có quy mô ngân sách rất hạn hẹp, chưa thể cân đối nên ngân sách Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện công tác GPMB.

Tuyến QL1 qua Hà Tĩnh, nhất là đoạn qua KKT Vũng Áng, đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, khó đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH, vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục để đầu tư, hoàn thành đoạn cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng trước năm 2025. Đặc biệt, chỉ đạo Bộ GTVT sớm bàn giao mốc GPMB vào đầu năm 2022 và bố trí nguồn vốn để địa phương chủ động triển khai công tác GPMB, đáp ứng tiến độ dự án...

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ đang được thi công.

Đại biểu cũng đề nghị chủ dự án nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến mà Hà Tĩnh đã tham gia góp ý với Bộ GTVT về phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng.

Với vị trí kết nối đường cao tốc với TP Hà Tĩnh, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh để khảo sát, xác định vị trí nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, khai thác của đường cao tốc nhưng cũng đồng thời hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực đến ATGT, kết cấu hạ tầng, quỹ đất, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương...

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Tĩnh

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho rằng: để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cần quan tâm tới vấn đề GPMB để vừa bàn giao mặt bằng kịp thời, vừa không ảnh hưởng tới cuộc sống Nhân dân; phải rà soát, bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp nền đường, đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu đất đắp nền đường phục vụ dự án; có kế hoạch di dời các công trình nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án...

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.