Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên pháp luật tại Hà Tĩnh không chỉ phát huy vai trò trong việc “nói cho dân hiểu”, truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, người dân ngày càng quan tâm các chủ trương, chính sách pháp luật.

Trong 2 ngày 9 và 10/3, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Lộc Hà tổ chức truyền thông và trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho bà con tại 8 xã trong huyện. Đảm nhận vai trò “nói chuyện” pháp luật cho người dân lần này là anh Võ Quốc Hoàng (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) - người đã có 6 năm làm BCV pháp luật.

Xác định buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý là cơ hội để bà con tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về các chủ trương, chính sách pháp luật, công tác chuẩn bị được anh Võ Quốc Hoàng triển khai chu đáo, tỉ mỉ. Nội dung trọng tâm của đợt truyền thông lần này gồm tuyên truyền pháp luật liên quan đến đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, BCV Võ Quốc Hoàng đã cẩn trọng tra cứu về hiệu lực của văn bản, tìm hiểu các ví dụ minh họa… để từ đó xây dựng bài giảng sinh động, cụ thể.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

BCV pháp luật Võ Quốc Hoàng trong buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người dân.

“Các quy định của pháp luật thông thường khá khô khan và cứng nhắc, đòi hỏi BCV phải “mềm hóa”, nhuần nhuyễn nội dung để truyền tải tới người dân. Do vậy, trong các buổi tuyên truyền, tôi thường đưa ra nhiều dẫn chứng, ví dụ minh họa trên thực tiễn nhằm giúp bài giảng sinh động, lôi cuốn hơn để bà con dễ hiểu và nắm bắt. Sau các buổi truyền thông, một số người dân đã chủ động gặp gỡ BCV để trao đổi thêm các nội dung xoay quanh buổi truyền thông. Đây là điều đáng mừng, cho thấy người dân quan tâm tới các quy định của pháp luật” - anh Hoàng chia sẻ.

Những ngày qua, với vai trò là BCV pháp luật, Đại úy Đinh Thị Thơm (cán bộ Đội Điều tra tổng hợp, Công an TX Kỳ Anh) đã có mặt tại tổ dân phố Hưng Thịnh (phường Hưng Trí) để phổ biến cho bà con về Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

Đại úy Đinh Thị Thơm đã 40 lần trực tiếp “đứng lớp” để truyền đạt về pháp luật.

“Khi phổ biến cho người dân về Đề án 06, tôi xác định cần đi theo phương châm “Dân biết - dân sử dụng - dân tuyên truyền”, đây sẽ là hình thức lan tỏa hữu hiệu nhất. Chỉ khi bà con đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… chính họ sẽ là mỗi “tuyên truyền viên”, chia sẻ và truyền đạt cho bạn bè, người dân” - Đại úy Thơm thông tin.

3 năm làm BCV pháp luật, Đại úy Thơm đã 40 lần trực tiếp “đứng lớp”, truyền đạt về công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em và gần đây nhất là Đề án 06... cho toàn thể Nhân dân trên địa bàn. Sự vào cuộc của BCV pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho bà con TX Kỳ Anh - địa bàn phát triển nhanh về KT-XH.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

Công an phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) tuyên truyền về Đề án 06 và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.

Được đánh giá là một trong những tuyên truyền viên tích cực của thị trấn Thạch Hà, anh Phan Sỹ Gơ (công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc viết kịch bản cho tiểu phẩm phổ biến pháp luật.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

Anh Phan Sỹ Gơ (công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Thạch Hà) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc viết kịch bản cho tiểu phẩm phổ biến pháp luật.

Với cách viết dí dỏm, hài hước, song cũng không kém phần sinh động, những nội dung pháp luật anh Gơ chuyển tải đã được đông đảo người dân theo dõi, đón nhận. Bên cạnh đó, anh còn chủ động tìm hiểu các chủ trương, chính sách mới để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội cho bà con thuận tiện nắm bắt.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 91 BVC cấp tỉnh, 259 BCV cấp huyện và 2.867 tuyên truyền viên pháp luật. Những năm qua, lực lượng BCV, tuyên truyền viên thường xuyên được bổ sung thêm những cá nhân am hiểu pháp luật, tâm huyết và có kỹ năng chuyển tải thông tin hiệu quả đến các đối tượng được phổ biến, giáo dục.

Cầu nối đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống ở Hà Tĩnh

BCV pháp luật cấp tỉnh đang truyền đạt các nội dung xoay quanh nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho các đại biểu tại huyện Thạch Hà.

Ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Từ thực tiễn cho thấy, đội ngũ BCV, tuyên truyền viên thực sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại các sở, ban, ngành, địa phương và xem đây là nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ BCV, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở; góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa pháp luật đến gần hơn với người dân.

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.