Đảo đảm nơi ăn ở, điều kiện làm việc
Ngược miền Tây theo quốc lộ 8, chúng tôi đến doanh trại mới ở Tiểu đội Dân quân thường trực xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Khuôn viên doanh trại xây dựng trên tổng diện tích rộng 3ha, gồm các hạng mục như: nhà ở của dân quân, phòng họp, phòng chỉ huy, phòng ăn, nhà bếp, kho vũ khí doanh cụ..., được thiết kế thi công khép kín với tổng mức đầu tư xây dựng gần 2 tỷ đồng. Nhà thầu đang gấp rút thi công để cuối năm có thể đưa vào sử dụng.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sơn Kim 1 chia sẻ: “Doanh trại cũ đã xuống cấp nhiều năm, các vật dụng bị hư hỏng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của tiểu đội nên được xây dựng mới với đầy đủ các trang thiết bị chính quy, khang trang, rộng rãi. Doanh trại mới sẽ giúp chúng tôi thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là vào mùa mưa và góp phần bảo vệ địa bàn ổn định, giữ vững chủ quyền biên giới”.
Tham quan trụ sở làm việc và hệ thống cơ sở vật chất của Ban CHQS thị trấn Nghèn (Can Lộc), chúng tôi cảm nhận được phần nào sự quan tâm của địa phương đối với lực lượng dân quân. Hệ thống doanh trại được thiết kế khang trang, chính quy với đầy đủ phòng làm việc của chỉ huy trưởng, phòng trực của dân quân, hội trường sinh hoạt, hội họp. Hệ thống biển bảng chính quy, nội thất, bàn ghế, giường tủ và các trang thiết bị, phương tiện nghe nhìn (ti vi, dàn karaoke...) được đầu tư đầy đủ.
Đồng chí Trần Đình Đức - Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Nghèn chia sẻ: “Được cấp trên, lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư cải tạo, tu sửa và xây dựng mới trụ sở làm việc khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt… nên anh em chúng tôi rất phấn khởi. Điều kiện sinh hoạt, làm việc được đảm bảo sẽ giúp lực lượng dân quân an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP địa phương và các nhiệm vụ đột xuất khác”.
Cùng với các đơn vị trên, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà trực, phòng trực bảo đảm cho hoạt động của lực lượng dân quân ở cơ sở. Mới đây nhất là các xã: Đỉnh Bàn, Thạch Đài, Việt Tiến, Tượng Sơn (Thạch Hà); Xuân Hồng (Nghi Xuân); Thanh Bình Thịnh (Hương Sơn) và Hương Vĩnh (Hương Khê)...
Trung tá Trần Quốc Tuấn - Trưởng ban DQTV thuộc Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh) thông tin: “Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã củng cố, tu sửa, xây dựng, đưa vào sử dụng 106 nhà trực, 208 phòng làm việc và 9 trụ sở ban CHQS xã, phường, thị trấn với tổng chi phí hàng chục tỷ đồng. Các địa phương còn lại tiếp tục xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực để sớm có nơi ăn nghỉ, làm việc khang trang, sạch sẽ cho lực lượng dân quân. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống, sinh hoạt và động viên tinh thần chiến sĩ dân quân hăng say thực hiện tốt nhiệm vụ, nêu cao tinh thần thi đua quyết thắng, sẵn sàng trực ứng phó với mọi tình huống ở cơ sở”.
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Mô hình của anh Lê Đình Thanh - chiến sĩ dân quân cơ động xã Thạch Châu (Lộc Hà) là một trong những điểm nhấn về phát triển kinh tế trong lực lượng dân quân. Mô hình được xây dựng trong khuôn viên hơn 100m2 với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, dây chuyền khá hiện đại để sản xuất bàn ghế, giường tủ, cửa và các đồ gia dụng khác. Đặc biệt, hiện nay, cơ sở này đang huy động tối đa nguồn vốn, nhân lực, nguyên liệu để sản xuất hàng phục vụ thị trường tết.
Anh Lê Đình Thanh chia sẻ: “Được cấp ủy, chính quyền và Ban CHQS xã quan tâm, động viên và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, quỹ đất mở rộng xưởng, hưởng các chủ trương phát triển sản xuất nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô xưởng mộc gia dụng. Xưởng mộc giúp gia đình tôi có cuộc sống khấm khá, thu nhập ổn định với hàng trăm triệu đồng mỗi năm, từ đó, bản thân tôi yên tâm tham gia thực hiện nhiệm vụ của một dân quân và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 - 4 dân quân khác. Có công ăn việc làm tập trung tại xưởng nên mỗi khi có lệnh điều động, chúng tôi đều có mặt nhanh chóng, sẵn sàng có mặt tham gia xử lý các tình huống xẩy ra”.
Thực hiện Đề án của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng DQTV “Vững mạnh, rộng khắp”, các địa phương đã cụ thể hóa với nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực (về cơ chế, chính sách về vốn, đất đai, tập huấn KHKT, trao đổi kinh nghiệm, ngày công…) để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho dân quân ngay tại địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 50 mô hình phát triển kinh tế của dân quân cho thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/năm, nhiều nhất là lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Tiêu biểu có: mô hình trồng bưởi của Cao Viết Sơn – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hương Trạch và mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng của anh Uông Tiến Dũng – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Kim Hoa (Hương Sơn), mô hình trồng cam của anh Nguyễn Hoài Nam – Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đức Hương (Vũ Quang), mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Trương Thế Cương – Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh), mô hình trang trại tổng hợp của anh Đoàn Văn Trung – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh)…
Đại tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Chúng tôi luôn quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp gắn với tạo điều kiện cả về cơ chế, chính sách, tạo sinh kế cho lực lượng dân quân phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định giúp họ yên tâm gắn bó tại quê hương. Nhờ đảm bảo nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nên lực lượng dân quân luôn đảm bảo về số lượng, mạnh về chất lượng, sẵn sàng có mặt khi được huy động để xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, nhất là trong huấn luyện, diễn tập, giữ gìn ANCT, đảm bảo TTATXH, tham gia PCTT - TKCN...”.