Trường THPT chuyên Hà Tĩnh trong ngày khai giảng. Ảnh: tư liệu
Ngày đầu tiên
Một ngày cuối tháng 8 năm 1996, chúng tôi trở thành học sinh lớp 10 chuyên Văn trường Năng khiếu Hà Tĩnh. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 20 năm kể từ ngày tựu trường năm ấy, chúng tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác háo hức, vui sướng, xen lẫn một chút “ngạo khí” của cái tuổi mới lớn khi được ngồi chung trong phòng học treo biển “Lớp 10 Văn”.
Ngày đầu tiên, 30 đứa học trò, không ai bảo ai, tất cả đều chung một cảm giác mong ngóng, chờ đợi một người rất quan trọng - thầy chủ nhiệm Trần Quang Tú - người dự kiến sẽ đồng hành với chúng tôi trong 3 năm cuối cùng của cuộc đời học trò. Và, thầy xuất hiện trong bộ áo trắng, quần tây đen, đôi dép da màu nâu sáng. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi đối với thầy là đôi mắt sáng, nụ cười hòa ái với đôi lúm đồng tiền thoắt ẩn, thoắt hiện.
Thầy Trần Quang Tú - nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Chiếc dàn ý hình nan quạt
Khác với hình dung, thầy của chúng tôi không giảng bài du dương, không bùng cháy. Cách giảng của thầy từ tốn, rõ ràng và có phần nhạt nhòa đối với những tâm hồn mơ mộng, giàu cảm xúc tuổi hoa niên. Điều đáng sợ hơn cả là thầy luôn bắt chúng tôi phải lập dàn ý trước khi làm văn.
Vào thời điểm đó, việc phải gạch dàn ý không khác gì đặt hòn đá tảng bất ngờ chặn đứng những dòng cảm xúc cuồn cuộn luôn chực tuôn trào qua ngòi bút bay bổng. Cứ dần dà như thế, cho đến gần nửa cuối kỳ II lớp 10, chúng tôi đã bắt kịp với yêu cầu mang tư duy logic vào môn Văn của thầy. Những bài văn của chúng tôi dần trở nên sáng sủa mạch lạc hơn, câu cú cũng gãy gọn khúc chiết hơn.
Thầy Trần Quang Tú (đứng giữa hàng sau) chụp ảnh cùng lớp Văn niên khóa 1996 -1999, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ảnh: tư liệu.
Đến bây giờ, khi đã bước sang nửa còn lại của cuộc đời, chúng tôi bỗng giật mình nhận thấy, “chiếc dàn ý hình nan quạt” năm đó của thầy chính là mô hình sơ đồ tư duy mà phải rất lâu sau này mới thịnh hành. Và từ lúc nào, nó đã trở thành một trong những hành trang không thể thiếu của những luật sư, giảng viên, nhân viên văn phòng chúng tôi khi thực hiện các bài báo cáo, các bản thuyết trình, công trình nghiên cứu, các bài giảng của mình.
Chúng tôi vẫn tự hào, nhờ có thầy Tú mà chúng tôi vừa có được năng lực thẩm mỹ đặc trưng của dân văn chương, vừa sở hữu tư duy logic thường thấy của dân Toán, đó là điều giúp chúng tôi tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.
Cảm xúc trí tuệ và sự bền bỉ kiên trì
Sau quãng thời gian đầu loay hoay bắt nhịp với nhau, cuối cùng thầy trò chúng tôi cũng đã tận hưởng những giờ học “phiêu” đúng nghĩa, khi cả lớp ngồi lặng yên quên cả tiếng trống hết giờ, nghe thầy say sưa mổ xẻ từng lớp nghĩa trong những tác phẩm văn học thời kỳ 1930 - 1945. Mãi sau này, chúng tôi mới gọi thành tên điều chúng tôi lĩnh hội được từ những bài học ấy, đó là thứ “cảm xúc trí tuệ” toát ra từ một con người uyên bác và tài hoa.
Rồi tất thảy chúng tôi, lúc đầu thì cảm giác bị thầy “hành” vì quá nhiều bài vở, nhưng rồi sang lớp 11, ngoài bài thầy giao, lại còn tự nguyện làm thêm và nhờ thầy góp ý. Thầy vẫn luôn vui vẻ và tận tụy với công việc sửa câu rèn ý nhọc nhằn ấy. Bây giờ, khi không ít trong số chúng tôi trở thành giáo viên hay biên tập viên, chúng tôi mới hiểu rõ những áp lực mà thầy phải chịu đựng khi mỗi ngày phải chấm một lượng bài làm văn khổng lồ như thế.
Học trò lớp Văn, niên khóa 1996 - 1999 về thăm thầy Tú nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Ảnh: tư liệu
Một giờ học đặc biệt
Năm lớp 11, khi chúng tôi học bài thơ “Tương tư” của nhà thơ Nguyễn Bính, thầy đã khiến cả lớp bất ngờ và hân hoan. Ngày hôm đó, không như thường lệ, thầy bước vào lớp, viết tên của bài giảng lên bảng và xuống ngồi ở bàn học sinh. Thầy đã mời một cô bạn học trong lớp của chúng tôi đứng lên thay thầy giảng cho cả lớp về không gian nỗi nhớ trong thi phẩm về tình yêu của Nguyễn Bính.
Tiết học văn 45 phút đặc biệt ngày ấy đã trở thành một ký ức đẹp đẽ chói sáng có lẽ không chỉ của cô bạn “giảng viên” hôm đó mà là của tất cả 30 thành viên trong lớp chúng tôi.
Lời hứa chưa thành
Lớp tôi là lớp đầu tiên mà thầy làm chủ nhiệm, sau khi thầy chuyển về từ Trường THPT Đức Thọ. Thời gian đó, thầy ở tạm trong căn nhà tập thể nhỏ ở một góc của trường cùng cô con gái, cũng chính là người bạn học cùng lớp với chúng tôi.
Hồi đó, có lần đến thăm thầy vào dịp 20/11, chúng tôi hăng hái hứa với thầy: sau này bọn con đi làm nhất định sẽ góp tiền xây cho thầy một ngôi nhà rộng rãi. Sau đó ít lâu, thầy chuyển cả gia đình vào TX Hà Tĩnh và thật may mắn thầy đã thu xếp để có được một ngôi nhà ấm cúng.
Thầy Trần Quang Tú và 2 con gái (chị Trần Tố Uyên - bên phải và chị Trần Quỳnh Trang) hiện là giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
Và hôm nay, khi chúng tôi viết những dòng này, lòng vẫn băn khoăn với lời hứa chưa thành của hơn 20 năm trước. Nhưng chúng tôi biết, chỉ cần thấy chúng tôi sống tử tế, có ích thì đó đã là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người thầy - người cha dõi theo sự trưởng thành của các con. Chúng con thực sự biết ơn thầy, người đã lặng lẽ quan tâm, dẫn dắt những đứa trẻ hồn nhiên năm xưa vững vàng và bình tâm đi qua lứa tuổi mới lớn đầy nổi loạn, để từ đó trưởng thành, sống tử tế và có ích như bây giờ.