11/16 cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường
Đăng đàn trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương nêu thực trạng: “Hà Tĩnh có 22 CCN đã được thành lập, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 571,18 ha. Trong đó, 16 CCN đã hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 5 CCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, 3 CCN có hệ thống thoát nước mưa, 5 CCN có điểm tập kết chất thải rắn”
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên, tư lệnh ngành Công thương cho biết: Do nguồn ngân sách bố trí hạn hẹp, vì vậy, các địa phương thường ưu tiên hạ tầng thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước, chưa quan tâm đúng mức đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải tập trung của các CCN được đầu tư từ ngân sách, chủ yếu chỉ mới thu gom nước thải vào hồ sinh học, chưa có nhà máy xử lý nước thải theo đúng nghĩa nên hiệu quả xử lý thấp.
Ông Đặng Quốc Cương (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên)
Để đảm bảo “Các CCN đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường” như Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Công thương đề xuất: Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng CCN nhằm thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN một cách đồng bộ, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư khu kỹ thuật (như xử lý nước thải, điểm tập kết rác thải rắn) đảm bảo quy định về môi trường; bố trí đủ ngân sách cho phát triển CN-TTCN theo tinh thần của Nghị quyết số 08 – 1% tổng thu ngân sách.
Chất vấn nội dung này, ông Đặng Quốc Cương (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) đề xuất: “Đề nghị đưa ra lộ trình cụ thể để khắc phục tình trạng này”. “Việc xã hội hóa CCN hiện chưa nhiều thì giải pháp kêu gọi xã hội hóa cụm để giải quyết tình trạng thiếu hệ thống xử lý nước thải tại cụm có hiệu quả? Hạn mức hỗ trợ 1% đã thực hiện được hay chưa?” – ông Trần Nhật Tân (Tổ đại biểu Thạch Hà) nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Nhật Tân (Thạch Hà)
Trả lời về khả năng kêu gọi đầu tư CCN, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay có 7 CCN có DN xin đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên giải pháp này khá khả thi. Còn khả năng về ngân sách rất khó thực hiện vì nguồn lực hạn chế. Do vậy, đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách theo Nghị quyết số 08 để đón đầu làn sóng đầu tư, có hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án.
Băn khoăn về thực trạng các CCN trên địa bàn TP Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trọng Nhiệu (Tổ đại biểu Nghi Xuân) chất vấn: “Trên địa bàn TP Hà Tĩnh có 3 CCN nhưng không thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất (Bắc Thạch Qúy, Thạch Đồng, khu công nghệ thông tin tập trung). Vậy, giải pháp nào để thu hút công nghiệp cho đô thị loại 2.
Trả lời vấn đề này, tư lệnh ngành Công thương cho hay: Hiện đã có lộ trình hoàn tất di dời CCN Bắc Qúy; CCN Thạch Đồng được xây dựng với mục đích di dời, phục vụ nơi sản xuất cho làng nghề Thạch Đồng, mặc dù có một số dự án đề xuất đầu tư nhưng do không phù hợp với mục đích hình thành cụm nên không chấp thuận đầu tư; khu công nghệ thông tin tập trung được xây dựng “đi tắt, đón đầu” đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng thực tiễn chưa có nguồn đầu tư, chưa thu hút được DN đầu tư nên trong thời gian tới sẽ đề xuất UBND tỉnh quan tâm.
Bên cạnh đó, các đại biểu Bùi Nhân Sâm, Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu Can Lộc) chất vấn các giải pháp để lấp đầy CCN hoặc nghiên cứu phương án để tránh lãng phí đất.
Làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho biết, thời gian qua ngành và các địa phương làm rất tốt việc kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN, nhiều cụm có hạ tầng hết sức đồng bộ, bài bản. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung kêu gọi các dự án đầu tư về hạ tầng cụm bằng các cơ chế chính sách để tăng tỷ lệ lấp đầy.
Liên quan đến hiện trạng sử dụng đất tại các CCN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các CCN đã được các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng đồng bộ về hạ tầng thì toàn bộ diện tích đất đã được nhà đầu tư đền bù thỏa đáng. Chính vì vậy, đối với diện tích đất chưa sử dụng, họ sẽ chờ các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào. Chính vì vậy, không thể gọi số diện tích đất ở các CCN này là lãng phí.
Về tình hình phát triển công nghiệp tại TP Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, thành phố đang chuyển dịch mạnh cho phát triển thương mại, dịch vụ. Mặt khác, hiện nay khu vực xung quanh đều có quy hoạch các CCN nên sẽ có sự kết nối với thành phố có sự phát triển.
“Nóng” quy hoạch và chất lượng xăng dầu
Liên quan đến vấn đề quy hoạch các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, ông Trần Nhật Tân (Tổ đại biểu Thạch Hà) chất vấn “Thực tế hiện nay vẫn có cửa hàng xăng dầu không đảm bảo, hướng xử lý như thế nào?”.
Khẳng định việc đầu tư xây dựng, kinh doanh các cửa hàng xăng dầu thời gian qua trên địa bàn tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật. Tư lệnh ngành Công thương cho biết đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 218 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, các sở, ngành, địa phương đã xem xét, đề xuất việc phân bố phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Huy Hùng (Lộc Hà)
Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại 16 cửa hàng xăng dầu không nằm trong quy hoạch đấu nối giao thông của Bộ Giao thông Vận tải. Đối với hoạt động của các cửa hàng này, ngày 07/9/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 4539/UBND-TM, theo đó đồng ý cho phép tồn tại đến 31/12/2020 theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT. Sở Giao thông Vận tải đang tiến hành rà soát, đối với các cửa hàng nằm trong đô thị thì sẽ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đấu nối theo Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017. Còn các cửa không đảm bảo khoảng cách, yêu cầu chủ đầu tư có lộ trình chuyển đổi mục đích kinh doanh.
Liên quan đến chất lượng xăng dầu, các đại biểu Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) chất vấn: “Trong 6 tháng đầu năm, ngành chức năng kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu thì phát hiện 4 doanh nghiệp kinh doanh Xăng RON95-III5và xăng E5 RON92-II có kết quả không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vậy, chất lượng xăng dầu như thế nào?
Đại biểu Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN (Tổ đại biểu Vũ Quang) trao đổi thêm một số nội dung về công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu
Làm rõ vấn đề này, ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN (Tổ đại biểu Vũ Quang) cho biết: Hàng năm, công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu được kiểm tra thường xuyên, thanh tra đột xuất. Theo đó, 2017 lấy 3/51 mẫu xăng dầu, 2018 lấy 6/79 mẫu. 6 tháng đầu năm 2019, có 4/38 mẫu có vi phạm chất lượng. Qua đó, nếu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nghi ngờ sẽ tập trung kiểm tra…”
Không đánh đổi những cánh rừng để lấy điện mặt trời
Ý kiến chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề xây dựng dự án điện mặt trời, ông Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) băn khoăn: Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các dự án điện mặt trời đối với rừng, đất rừng? và ông Đoàn Đình Anh (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) nêu ý kiến: “Cần cân nhắc việc sử dụng đất rừng để triển khai dự án”.
Giám đốc Sở Công thương làm rõ các nội dung đại biểu nêu
“Các dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn đều được các đơn vị chức năng thẩm định. Đó là những khu đất có hiệu quả thấp, xa dân…Còn những dự án đang đề xuất, thì tinh thần là không phá rừng để lấy điện mặt trời" –Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng phát biểu làm rõ một số nội dung tại phiên chát vấn
Về các dự án điện mặt trời trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng khẳng định trước khi chấp thuận triển khai các dự án đều đã có một quá trình rà soát đánh giá của các sở ngành, địa phương liên quan. Trước các ý kiến của đại biểu, tỉnh sẽ tiếp tục có trách nhiệm chỉ đạo các sở ngành, địa phương khi chấp thuận, cấp phép các dự án phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đến môi trường, dân sinh.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết: Đây là năng lượng tái tạo, Hà Tĩnh là địa bàn phù hợp, do vậy thời gian qua, các doanh nghiệp tập trung về tỉnh ta để đầu tư. Một số dự án đã được triển khai theo đúng quy trình. Đề nghị sở báo cáo với tinh thần thu hút dự án nhưng phải đảm bảo môi trường.