“Cháu bà nội, tội bà ngoại”

Dù mới sinh con được 7 tháng nhưng hầu như lúc nào chị Hằng cũng lâm vào trạng thái mệt mỏi. Nguyên nhân do mẹ chồng phó mặc hoàn toàn cho chị việc nhà, trông con... để bà còn có thời gian đi thăm cháu ngoại.

“Cưới nhau mấy năm, tôi mới mang thai con đầu lòng. Khi cháu còn trong bụng mẹ, mẹ chồng tôi ngày nào cũng nói với cả nhà sẽ tự tay chăm cháu chứ không cần thuê người giúp việc. Ấy vậy mà, chỉ mới sinh con được ít hôm thì lời hứa hẹn của mẹ chồng đã… “bay hơi”. Khi mẹ đẻ tôi ngỏ ý muốn chăm cháu, mẹ chồng đồng ý ngay và bảo tôi dọn đồ về ngoại đến hết thời gian ở cữ. Con được 4 tháng thì tôi phải lật đật quay về nhà chồng. Hằng ngày, mẹ chồng tôi phó mặc cho con dâu tất cả mọi việc để sang nhà em chồng chăm… cháu ngoại. Không những thế, mỗi khi con tôi ốm đau, mẹ chồng lại bóng gió nhắc nhở bà ngoại chăm cháu không cẩn thận. Đúng là “cháu bà nội, tội bà ngoại” - chị Hằng than thở.

chau ba noi toi ba ngoai

Ảnh minh họa từ internet

Hoàn cảnh tương tự, từ ngày bước chân về nhà chồng, chị Huyền luôn tâm niệm sẽ coi mẹ chồng như mẹ đẻ và hy vọng mẹ chồng sẽ coi chị như con gái. Mọi chuyện diễn ra yên bình cho đến khi chị chồng sinh con. Dường như mọi sự quan tâm của mẹ chồng chỉ dồn vào cháu ngoại, thay vào đó, đứa con chưa đầy 1 tuổi của chị Huyền phải đi gửi nhà trẻ. Chị Huyền chia sẻ: “Từ khi có cháu ngoại về, bà nội thay đổi thái độ với con tôi hẳn. Nhìn con cứ thui thủi một mình mà tôi thấy đau lòng. Tôi chỉ lo nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của con”.

Trong văn hóa gia đình Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ san sẻ tình yêu thương cho con gái nhiều hơn. Khi thấy con gái mới sinh còn yếu và bận rộn lo toan nhiều việc thì bà ngoại lại luôn muốn chăm sóc cháu để giúp đỡ con. Trong khi đó, lại suy nghĩ con dâu phải có trách nhiệm và bổn phận gánh vác công việc gia đình chồng là lẽ thường. Bên cạnh đó, quan niệm “Con so thì về nhà mạ, con rạ thì ở nhà chồng” với suy nghĩ khi sinh con đầu lòng cần kiêng cữ nên ở nhà mẹ đẻ sẽ thuận lợi hơn ở nhà chồng đến nay vẫn còn tồn tại.

Nhiều phụ nữ hiện đại vẫn còn mang tâm lý khi sinh con vẫn mong muốn có sự chăm sóc của mẹ đẻ. Và như vậy, bà ngoại vẫn là người đồng hành cùng con gái và cháu ngoại trong giai đoạn vất vả đầu tiên. Dường như đây lại chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Mẹ chồng mải chăm cháu ngoại mà “quên” cháu nội khiến cho nàng dâu ganh tị. Cũng không ít bà ngoại tủi thân khi thấy đứa cháu mình chăm bẵm thuở nhỏ dần rời khỏi vòng tay mình và có nhiều tình cảm hơn với bà nội. Và không ít gia đình vì muốn chiếm tình cảm của cháu mà hiềm khích lẫn nhau. Do đó, dù bên nội hay bên ngoại, mẹ và bé đều cần sự thông cảm, yêu thương và sẻ chia từ cả hai bên. Hãy dành tình thương cho tất cả các cháu của mình!

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.