Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh huy động lực lượng triển khai công tác PCCC tại tổ dân phố 9, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh).
Vào đêm 26/2/2022, tại tổ dân phố 9, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) xảy ra vụ cháy nhà nghiêm trọng khiến cụ ông N.X.T. (SN 1947) - chủ của ngôi nhà tử vong.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện. Điều đáng tiếc là khi xảy ra sự cố, người dân sống xung quanh khu vực ngôi nhà đã hô hoán và gọi báo cơ quan PCCC, tuy nhiên nhà nằm trong ngõ nhỏ, nằm giữa các ngôi nhà khác và bị khóa nên khi cơ quan chức năng tiếp cận vào bên trong thì đã không thể cứu được nạn nhân.
Vụ cháy đã khiến một người đàn ông tử vong do chập điện.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vụ cháy đã xảy ra tại TP Hà Tĩnh trong thời gian gần đây. Trong năm 2021, trên địa bàn phường Bắc Hà cũng liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại nhà ở, các ki-ốt kinh doanh. Mặc dù không xảy ra thiệt hại về người song tài sản, cơ sở vật chất của người dân đều gần như mất trắng vì bị “bà hỏa” thiêu rụi và uy hiếp rất lớn đến các hộ gia đình, quầy ốt kinh doanh lân cận.
Ông Nguyễn Duy Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Hà cho biết: “Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, mật độ dân cư đông, số lượng hàng quán, ki ốt kinh doanh lớn nên địa bàn thường đối mặt với nguy cơ cháy. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các hàng quán kinh doanh nhỏ hoặc các ngôi nhà vừa ở vừa làm nơi kinh doanh của người dân. Đặc biệt, các vụ cháy thường do sự cố chập điện hoặc sơ ý của người dân và xảy ra ban đêm nên gây không ít khó khăn cho công tác PCCC”.
Hiện trường vụ cháy tại tiệm giặt là trên đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) tháng 2/2021.
Nhớ lại khoảnh khắc vụ cháy tại tiệm giặt là tại đường Lý Tự Trọng (phường Bắc Hà) cách đây 1 năm về trước, chị K.A - chủ shop thời trang trên đường Lý Tự Trọng vẫn chưa hết sợ hãi: “Lúc đấy chỉ mới khoảng hơn 7h tối, ngọn lửa bùng phát từ khu vực sấy khô rồi lan ra toàn bộ cơ sở giặt là. Vì hàng hóa chủ yếu bằng vải, dễ bén lửa nên lửa bốc lên khủng khiếp lắm, cháy rụi toàn bộ máy móc, tài sản của gia chủ. Cửa hàng kinh doanh quần áo của tôi ngay sát cạnh, nghe tin có cháy, tôi nháo nhào lên shop để thu dọn đồ đạc. Vừa mệt, vừa nơm nớp lo sợ suốt đêm”.
Ngoài khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh thì đô thị khác như: thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, một số khu vực thị trấn, thị tứ khác… cũng xảy ra nhiều vụ cháy có tính chất nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh đồ điện Minh Hạnh - tổ dân phố 4, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh).
Trong tháng 2/2022, tại cửa hàng kinh doanh đồ điện Minh Hạnh - tổ dân phố 4, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) cũng xảy cháy lớn, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, tài sản bên trong cửa hàng. Rất may với sự hỗ trợ của người dân và sự ứng cứu kịp thời của lực lượng cảnh sát PCCC& Cứu nạn cứu hộ nên vụ cháy đã được khống chế, không lây lan ra các cửa hàng khác.
Theo Đội cảnh sát PCCC& Cứu nạn cứu hộ Hồng Lĩnh, tính chất nghiêm trọng của vụ cháy này là nếu không triển khai linh hoạt công tác PCCC thì nguy cơ vụ cháy sẽ bắt lửa sang các ki-ốt hàng hóa lân cận rất lớn vì các ki-ốt nằm cạnh nhau, diện tích nhỏ, hàng hóa nhiều. Và, điều đáng nói, các cửa hàng mặc dù đều có cửa phụ nhưng tất cả lại được bịt kín để tăng diện tích sử dụng và chống trộm.
Những chiếc barie được người dân tự ý lắp đặt để bảo vệ tuyến đường giao thông trong khu vực dân cư gây cản trở xe PCCC tiếp cận hiện trường.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Tĩnh, sự cố cháy nói chung và trong khu vực đô thị nói riêng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp. Riêng trong năm 2021 và đầu năm 2022, toàn tỉnh có 62 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản lên đến 1,3 tỷ đồng và 9,02 ha rừng. Tại 3 đô thị (TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh) là 18 vụ, trong đó nhiều nhất là TP Hà Tĩnh với 12 vụ.
Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do chập điện, sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa, do vi phạm về PCCC và do sự cố kỹ thuật.
Các lực lượng mất không ít thời gian để tháo dỡ các... chướng ngại vật để tiếp cận đám cháy.
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, mật độ dân cư lớn, tại các đô thị còn tập trung rất nhiều các cửa hàng, ki-ốt kinh doanh. Tuy nhiên, ý thức thực hiện các quy định về PCCC của một bộ phận người dân chưa cao, chủ quan trong việc sử dụng lửa và các thiết bị điện nên rất dễ xảy ra cháy nổ. Trong khi đó, phần lớn các gia đình, chủ hộ kinh doanh hàng hóa, nhà trọ cho thuê chưa quan tâm đến việc trang bị các thiết bị PCCC ban đầu; hàn bịt kín nhà cửa và không bố trí lối thoát hiểm, do đó khi xảy ra hỏa hoạn đã gây không ít khó khăn cho công tác ứng cứu. Bên cạnh đó, nhà ở đô thị bố trí san sát, nhiều gia đình còn sử dụng nhà ở làm nơi kinh doanh nên dẫn đến nguy cơ ngọn lửa cháy lan, gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn mất mát về người”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Lộc, ngoài những nguyên nhân trên thì khó khăn lớn nhất khi chữa cháy tại khu dân cư chính là cơ sở hạ tầng giao thông và nguồn nước chữa cháy chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông trong khu dân cư thường rất phức tạp, nhiều ngõ ngách, nhỏ hẹp, người dân còn tự ý đặt các rào chắn xe tải, lắp bảng biểu, dựng trụ bê tông tránh xe tải gây cản trở xe chữa cháy tiếp cận hiện trường trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, hạ tầng cấp nước PCCC khu vực đô thị xuống cấp, quy hoạch thiếu đồng bộ cũng gây khó khăn trong cứu nạn, cứu hộ.