Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong dáng vẻ phong trần (ảnh Internet)
Sau nhiều lần lỡ duyên gặp gỡ, chừng cuối năm 2012, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngay sau đêm Khai mạc Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đó là buổi gặp gỡ thân tình mà những người thơ, người văn Xứ Nghệ tổ chức để đón tiếp ông. Anh Võ Hồng Hải khi ấy đang là Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh giới thiệu tôi với ông và còn nói thêm: “Bạn ấy hát rất hay”. Ông đưa mắt nhìn tôi và nói: “Chốc nữa em hát nhé, hát bài nào mà em thích ấy, không cần phải hát nhạc của anh đâu”. Một câu nói giản dị nhưng lại gây ấn tượng mạnh đối với tôi bởi nó mang đến cho tôi một hình ảnh thi sỹ giản dị, khiêm tốn và phóng khoáng. Và chính ông, trong tiệc rượu ấy cũng đã đọc rất nhiều thơ người khác, hát nhiều bài hát của bạn mình…
Cố thi sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (ngoài cùng bên phải) bên người bạn lớn Trịnh Công Sơn (áo kẻ) và những người bạn ((ảnh Internet)
Trước cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã biết Nguyễn Trọng Tạo qua nhiều tác phẩm thơ, nhạc của ông, qua nhiều bài viết của ông về Trịnh Công Sơn, Văn Cao… Những dấu ấn ông để lại trên văn đàn với “Tản mạn thời tôi sống”, trường ca “Biển mặn”, “Đồng dao cho người lớn”, với “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi”, “Đôi mắt đò ngang”… đã làm nên hình ảnh một nghệ sỹ lớn, đa tài.
Trong tưởng tượng của tôi, ông là một người thâm trầm, lãng mạn nhưng sẽ thật khó gần. Nhưng, tôi đã sai bởi ông ở ngoài đời thực là một người Nghệ cởi mở. Ở ông không có cái vẻ đạo mạo, kiểu cách của một người nổi tiếng. Trái lại, lại có cái tếu táo, sôi nổi của người lính, có cái ân cần, mộc mạc của người miền Trung, có cái chất phóng khoáng của người nghệ sỹ và có cả chút gàn của ông đồ Nghệ…
Ai cũng biết, Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ kiêm nhạc sỹ, hoạ sỹ với nhiều tác phẩm nổi tiếng; là một người có mối quan hệ thân thiết với những nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sỹ lớn của đất nước, là người có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ sỹ các tỉnh. Hầu như ông chưa bao giờ từ chối ai muốn ông giúp đỡ. Từ những người viết trẻ muốn ông thẩm định và sửa chữa cho đến những người muốn ông viết lời tựa, vẽ bìa cho tác phẩm sắp xuất bản, với ai ông cũng dành sự ân cần. Ông làm điều đó không đơn thuần chỉ vì tình cảm mà còn bởi trách nhiệm của ông đối với sự phát triển văn học - nghệ thuật của đất nước.
Cố thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo bên những nghệ sỹ, nhà báo tỉnh Hà Tĩnh (ảnh Internet)
Nguyễn Trọng Tạo đi đâu cũng được đón tiếp như về giữa quê nhà. Với Hà Tĩnh, ông còn dành một tình cảm rất đặc biệt. Hầu như lúc nào về Nghệ An ông cũng ghé vào Hà Tĩnh. Ở đó, những cây viết đều được ông coi là những người em thân thiết, có việc vui, việc buồn của họ, ông đều cố gắng sắp xếp công việc để có mặt. Ông rất ít khi phát ngôn về tình yêu với Hà Tĩnh, với người thơ, người văn, người nhạc Hà Tĩnh nhưng cái cách ông trở về đã cho chúng tôi thấy, ông tha thiết với mảnh đất này biết chừng nào…
Từ năm 2017 đến nay, nghệ sỹ các tỉnh không còn có nhiều cơ hội gặp gỡ với Nguyễn Trọng Tạo nữa bởi ông liên tục gặp những biến cố lớn về sức khoẻ. Bất kỳ lúc nào, lúc ông lâm bệnh hay lúc ông bình phục, facebook của các tác giả, nghệ sỹ cũng đều cập nhật. Và, hôm qua đến nay, trên mạng facebook tràn ngập những kỷ niệm về ông, tràn ngập nỗi đau đớn, xót xa…
Nét cười của Nguyễn Trọng Tạo
Đã tạm khép lại rồi những phút thăng hoa cùng âm nhạc, đã tạm khép lại rồi những ngẫu hứng sắp xếp ngôn ngữ… Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi trong tình yêu thương của người thân, bạn bè, độc giả. Nguyễn Trọng Tạo cũng đã ở lại trong nỗi nhớ của tất cả mọi người. Như một bài thơ của ông, ông đã “chia” cho đời sống này thật nhiều trí tuệ, thật nhiều tinh anh, tình cảm. “Chỉ còn cỏ mọc bên trời” - Bước qua ranh giới âm dương, ông sẽ lại vẫn uống rượu, đọc thơ và hát…