Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững

Ngày 23/6, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.

Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, Điện Biên), hướng dẫn người dân xã Nà Hỳ chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: Văn Tâm

Chỉ thị nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Nếu năm 1993 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều; một số nơi tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo.

Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa quyết liệt, kịp thời, hiệu quả quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, chưa phát huy được nội lực của toàn dân và cộng đồng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hoá nhanh, chất lượng nguồn nhân lực thấp; đặc biệt, tác động của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Các cơ quan báo chí, xuất bản tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. Quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo; có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình về công tác tại vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hoá...

Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững./.

Theo Dangcongsan.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.