Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đão xã Phương Mỹ (Hương Khê) chia sẻ thông tin với báo giới tỉnh nhà giữa mênh mông biển nước
Nhớ lại đêm 14/10, mưa ròng rã khiến nước dâng khắp địa bàn toàn tỉnh, Hà Tĩnh điện tử là tờ báo đầu tiên cung cấp đến bạn đọc hàng loạt hình ảnh, thông tin về diễn biến mưa lũ để người dân được biết và tiếp tục có các biện pháp chủ động phòng tránh.
Ngay sau đó, nhiều tờ báo điện tử khác và các kênh truyền hình TTXVN, Quốc hội, VTV, HTTV… đã đồng loạt đưa tin về tình hình mưa lũ; tình hình xả nước ở các hồ, đập trong tỉnh; đặc biệt là các hồ Bộc Nguyên, Kẻ Gỗ, thủy điện Hố Hô…
Sáng 15/10, “rốn lũ” Hương Khê ngập trong biển nước, giao thông chia cắt nghiêm trọng nhưng đội ngũ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí vẫn lên đường, tiếp cận với những vùng khó khăn nhất, bị ngập sâu nhất cung cấp hình ảnh, video và tin tức. Mỗi tờ báo, mỗi kênh truyền hình là một góc nhìn phản ánh đầy đủ, rõ nét hình ảnh tang thương trong lũ, những tình cảm, sự đoàn kết, sẻ chia của người dân cùng nhau chống chọi với thiên tai cũng như sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và các lực lượng chức năng trong việc hỗ trợ bà con vùng lũ.
PV các cơ quan báo chí xắn quần lội nước tác nghiệp trong "tâm lũ" Hương Khê
Từ đó đến nay, không thể đếm hết bao nhiêu tin, bài trên các trang báo, bao nhiêu phóng sự được chuyển tải đến người dân trong và ngoài nước. Không thể cùng người thân gánh gồng khó khăn nơi cơn lũ đi qua, nhưng chắc hẳn những người con xa quê cũng thấy yên tâm và ấm lòng hơn sau khi cập nhật thông tin liên tục qua báo, đài.
Nước lũ có dấu hiệu rút, tin, bài lại tập trung vào khắc họa những hình ảnh khắc phục hậu quả lũ lụt và đặc biệt là cập nhật từng giờ diễn biến của cơn bão mới để người dân kịp thời có biện pháp phòng chống.
Theo đó, các phóng viên cũng trở thành “tổng đài” tiếp nhận thông tin của các đoàn thiện nguyện về cứu trợ bà con vùng lũ. Những địa phương thiệt hại nặng, những hoàn cảnh khó khăn cần chung tay, hay những gương sáng cần được động viên… tất cả đều được mỗi phóng viên thuộc nằm lòng. Và dường như, hiểu được những bước chân không mỏi đó, niềm tin tưởng trong cộng đồng, xã hội được nhân lên, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân liên tục liên hệ với các phóng viên báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh để gửi gắm, để được hướng dẫn mang những phần quà thiết thực nhất, ý nghĩa nhất kịp thời đến với người dân vùng lũ.
Những thông tin cập nhật về lũ lụt giúp người dân, cơ quan chức năng chủ động phòng tránh, kịp thời triển khai cứu hộ - cứu nạn
Giấu sự mỏi mệt sau những chuyến đi dài, dầm mình trong mưa lũ, mỗi khi có những cuộc gọi đến, phóng viên vẫn nở nụ cười tươi, ân cần mang đến thông tin đầy đủ, thiết thực cho đầu dây bên kia. Trong lúc cấp bách, ai cũng nóng lòng và vội vàng, phóng viên lại càng như con thoi, vừa cập nhật tin, bài, vừa theo chân các đoàn thiện nguyện, lại vừa nắm thông tin các hoàn cảnh khó khăn…
Trên mạng xã hội, trang facebook của nhiều phóng viên trở thành kênh truyền thông hữu hiệu, cung cấp danh sách các hoàn cảnh khó khăn, kết nối các nhóm thiện nguyện… và khi cần, chính phóng viên là người dẫn đường cho các đoàn đến trực tiếp từng hộ không quản vất vả, mệt mỏi. Với chúng tôi, mỗi hoàn cảnh được sẻ chia, mỗi cái nắm tay, nụ cười trìu mến của bà con dành cho là dường như mọi sự mệt mỏi được xua đi.
Chương trình truyền hình trực tiếp “Oằn mình chống lũ” được Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại xã Phương Mỹ (Hương Khê) phát sóng trực tiếp vào tối 23/10, trên kênh truyền hình quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự vào cuộc, chung lòng, chung sức của tất cả các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, qua đó, kêu gọi sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng trong và ngoài nước với đồng bào lũ lụt miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Đồng hành với cấp ủy, chính quyền và người dân, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ không chỉ của mỗi phóng viên, biên tập viên mà còn là trách nhiệm của người công dân đối với đất nước, đồng bào!