Chia tách trường học ở Kỳ Anh: Hóa giải nhiều bất cập!

(Baohatinh.vn) - Sau khi chia tách địa giới hành chính theo Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh đang nỗ lực hoàn tất việc chia tách các trường học để chủ động về cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học.

Chia tách là tất yếu

Năm học 2016-2017, Trường THCS Tân Hoa có 718 học sinh được chia thành 25 lớp học tại 2 điểm trường. Trong đó, điểm trường Kỳ Tân có 447 em và điểm trường Kỳ Hoa 271 em. Trường THCS Hà Hải có 719 em chia làm 24 lớp học ở 2 điểm trường; trong đó, điểm trường tại Kỳ Hà có 509 em, điểm trường Kỳ Hải 210 em. Do chưa có điều kiện cơ sở vật chất nên trong những năm qua, dù đã sáp nhập nhưng các trường vẫn phải học ở 2 cơ sở. Đặc biệt, tại các điểm trường lẻ như: Kỳ Hoa, Kỳ Hải, cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

chia tach truong hoc o ky anh hoa giai nhieu bat cap

Việc chia tách Trường THCS Tân Hoa và THCS Hà Hải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, tổ chức dạy - học và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất.

Sau khi chia tách địa giới hành chính Kỳ Anh, Trường THCS Hà Hải (thuộc xã Kỳ Hà và Kỳ Hải) và Trường THCS Tân Hoa (Kỳ Tân và Kỳ Hoa) đều thuộc quyền quản lý chung của cả thị xã và huyện. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong công tác quản lý, tổ chức dạy - học và huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất.

Theo ông Nguyễn Hữu Sum - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh thì khi chia tách địa giới hành chính, thành lập thị xã, việc điều chỉnh mạng lưới trường học, tách Trường THCS Hà Hải và Tân Hoa là điều tất yếu. Về lâu dài, việc xây dựng một trường học chung của 2 xã thuộc 2 đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau là điều không thể. Còn nếu vẫn kéo dài mô hình một trường, 2 điểm học tại 2 xã như hiện nay thì cơ sở vật chất tại các điểm trường lẻ sẽ càng xuống cấp trầm trọng vì không được đầu tư, nâng cấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Được biết, để đảm bảo việc học tập cho con em, từ khi thành lập thị xã đến nay, nhân dân các xã Kỳ Hoa, Kỳ Hà đã nhiều lần kiến nghị HĐND thị xã đề nghị tách trường. Chính quyền xã Kỳ Hoa và Kỳ Hà cũng đã có các kiến nghị bằng văn bản lên Thị ủy, UBND thị xã Kỳ Anh về việc chia tách trường sau khi chia tách địa giới hành chính.

Chia tách Tân Hoa, mở đường cho Hà Hải

“Trước những tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân và nhận thấy được những bất cập trong công tác quản lý, tổ chức dạy học tại 2 trường THCS Tân Hoa, Hà Hải, UBND thị xã đã có văn bản xin UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường phổ thông trên địa bàn, chia tách Trường THCS Tân Hoa và đã được UBND tỉnh có quyết định chấp thuận” - ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết.

Để đảm bảo điều kiện cho các em bước vào năm học mới sau khi chia tách trường, UBND thị xã Kỳ Anh đã nhanh chóng có quyết định thành lập trường tiểu học và THCS Kỳ Hoa với quy mô 29 lớp, 688 học sinh (THCS 9 lớp, 271 em; tiểu học 20 lớp, 417 em).

Theo ông Nguyễn Hữu Sum, việc sáp nhập trường tiểu học và THCS là một mô hình có nhiều cấp học, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại. Mô hình này sẽ góp phần giảm số lượng cán bộ quản lý, nhân viên hành chính và giáo viên dạy các môn đặc thù như: tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Thể dục. Vì những môn này có thể bố trí giáo viên dạy ở 2 cấp học. Hơn nữa, THCS Kỳ Hoa (cũ) và Tiểu học Kỳ Hoa có vị trí liền kề nhau nên khi sáp nhập, các phòng chức năng như: thư viện, y tế, truyền thống, hành chính, nhà đa năng có thể sử dụng chung, tiết kiệm được ngân sách đầu tư xây dựng.

Được biết, hiện nay, việc chia tách Trường THCS Tân Hoa cơ bản đã hoàn tất. Chỉ còn chờ các quyết định điều chuyển giáo viên từ huyện về cho thị xã để đáp ứng nhu cầu dạy và học tại Trường Tiểu học &THCS Kỳ Hoa.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Phan Duy Vĩnh cho biết thêm: Tại cuộc họp bàn giữa lãnh đạo huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã thống nhất sẽ điều chuyển về cho thị xã 12 giáo viên, 1 cán bộ quản lý, 1 cán bộ hành chính. Hiện nay, thị xã đang chờ ý kiến phê duyệt của Sở Nội vụ.

Có thể nói, việc chia tách thành công Trường THCS Tân Hoa đã mở đường cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh tiếp tục có các cuộc bàn bạc, thống nhất để tiến tới chia tách Trường THCS Hà Hải trong thời gian sớm nhất. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo thống nhất về mặt quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục cho 2 địa phương sau chia tách.

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.