Video: Vẻ đẹp của mùa hoa gạo nở ở Hương Sơn.
Những ngày này, nếu có dịp đi qua thôn Yên Thịnh - xã Sơn Châu, bất kỳ ai cũng bị thu hút bởi “đám lửa” gạo đỏ rực trên một con ngõ...
Chưa bao giờ lỗi hẹn, cây hoa gạo ở thôn Yên Thịnh bắt đầu nở từ đầu tháng 3 và sang tháng 4 thì bắt đầu thưa dần.
Nhìn từ xa, giữa khung cảnh làng quê yên ả, cây gạo nở đỏ rực rỡ, nổi bật giữa lùm cây xanh rất đẹp mắt.
Hoa gạo là loài hoa cánh đơn với 5 cánh lớn. Cánh hoa dày, mang sắc đỏ tươi đầy sức sống.
Hoa gạo không mọc sát nhau nhưng lại bung nở đỏ rực cùng một thời điểm. Có lẽ vì thế mà mỗi mùa hoa nở, cây cứ đỏ rực như đám lửa trên nền trời.
Cây gạo ở thôn Yên Thịnh có từ lâu. Người dân địa phương không ai biết rõ cây có từ thời nào nhưng theo các bậc cao niên trong làng thì nó có tuổi đời trên dưới 100 năm.
Gốc cây gạo to bằng mấy người ôm, có nhiều ụ. Trên thân cây phủ rong rêu và nhiều loài cây ký sinh, trong đó có phong lan, càng làm cho cây gạo thêm phần cổ kính.
Ông Hồ Phạm Biểu (73 tuổi, trú thôn Yên Thịnh) chia sẻ: “Mỗi mùa hoa gạo nở, đàn chim kéo về đây hót ríu rít. Du khách nhiều nơi tìm về cây gạo để ngắm hoa, chụp ảnh. Hoa gạo khi rụng vẫn đỏ rực rỡ, trẻ con thường hay nhặt chơi còn tôi thường nhặt về làm thức ăn cho đàn hươu”.
Ngoài cây gạo ở Sơn Châu, trên miền sơn cước Hương Sơn còn có nhiều cây gạo khác không kém phần cổ kính. Dọc theo bờ sông Ngàn Phố, qua địa phận xã Sơn Giang là cây gạo cổ thụ cũng ngót nghét trăm năm tuổi. Mỗi tháng 3 trở về, hoa lại “thắp lửa” trên cao khiến người qua lại không khỏi ngỡ ngàng, xao xuyến...
Ngược lên xã Sơn Quang, cây gạo trước khuôn viên chùa Tượng Sơn (thuộc quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) cũng đã khoe sắc rực rỡ...
Cây gạo ở đây tuy chưa chưa có dáng vẻ cổ thụ như cây gạo ở Yên Thịnh hay Sơn Giang nhưng đã tạo nên điểm nhấn, tăng thêm phần cổ kính cho ngôi chùa.
Trên mái ngói thâm nâu, những bông gạo rụng xuống còn tươi sắc đỏ gợi lên thi tứ cho bao người...
Hoa gạo xưa được người dân Hà Tĩnh trồng nhiều ở cánh đồng đầu làng, trên ngõ quê và trong khuôn viên các ngôi chùa nhưng ngày nay không còn nhiều nữa. Những cây còn sót lại đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho cảnh sắc miền sơn cước Hương Sơn.
Dân gian có câu “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Sắc đỏ của hoa gạo tựa như sự trở mình của đất trời, những cơn lạnh thưa dần và không gian chuẩn bị chuyển sang tiết khí của mùa hạ.