Chính phủ bỏ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Chính phủ đã bỏ đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3 tới đây.

Tại khoản 1 điều 5 của dự thảo luật trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất: "Lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật".

Số tiền trích này được đề xuất để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông.

chinh-phu-bo-de-xuat-trich-70-tien-xu-phat-cho-canh-sat-giao-thong-191 copy.jpg
Lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt. Ảnh: Quốc Huy

Tuy nhiên, tại dự thảo luật mới nhất trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây, nội dung này đã được bỏ.

Theo đó, khoản 1 điều 5 dự thảo mới nhất chỉ còn quy định: "Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ".

Thẩm tra nội dung này tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn quy định này để phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu bổ sung như vậy, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách nhà nước, tính phù hợp với các pháp luật có liên quan.

Theo ông Tùng, xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, luật quy định: Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, ông Tùng cho rằng, đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết nhưng cần thống nhất với quy định chung.

Quy định như dự thảo (trước) là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Còn về quy định, trích 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương, ông Tùng cho rằng, đây là quy định mới so với dự thảo Chính phủ trình tại kỳ họp 6.

Đồng thời, mới so với nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe và cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Từ những phân tích đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ thêm theo tinh thần nên giữ như dự thảo đã trình tại kỳ họp 6.

vietnamnet.vn

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.