Chính phủ lâm thời - chuyện của 73 năm trước

Mặc dù hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Chính phủ Lâm thời đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền nhà nước non trẻ.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH). Cũng trong ngày lịch sử ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam DCCH đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào.

Chính phủ lâm thời - chuyện của 73 năm trước

Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8/1945. Ảnh: TTXVN

Mặc dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Chính phủ Lâm thời (Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 28/8/1945 đến ngày 31/12/1945 và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 01/01/1946 đến ngày 02/3/1946) đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền nhà nước non trẻ. Rất nhiều “đầu việc” không hề đơn giản đã được 15 thành viên của Chính phủ khẩn trương giải quyết.

6 nhiệm vụ cấp bách trong phiên họp đầu tiên

Là Chính phủ của một đất nước vừa mới giành được độc lập, khó khăn chồng chất khó khăn đang hiển hiện trước mắt; nền tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói vẫn đang là mối đe dọa, đại đa số nhân dân còn không biết chữ… Mọi sự quả không hề đơn giản với Chính phủ Lâm thời non trẻ. Nhưng khó khăn đến mấy cũng không hề cản bước những con người vừa làm nên cuộc cách mạng mùa thu lịch sử.

Ngày 3/9/194, một ngày sau Lễ độc lập, 15 thành viên của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành phiên họp đầu tiên. Phiên họp được tiến hành đơn giản, không có nghi thức.

Ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm 6 vấn đề: Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị ở cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được phát cho người nghèo.” Thứ hai, giải quyết nạn dốt. Theo người, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống. Thứ tư, phải giáo dục nhân dân từ bỏ những tật xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hóa dân ta. Người đề nghị “mở cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”. Thứ năm, Người đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”. Thứ sáu, đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do, lương-giáo đoàn kết.

Những bản sắc lệnh lịch sử

Cách đây 2 năm, ngày 11/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2496/QĐ-TTg về việc công nhận “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ 30/8/1945-28/12/1946”, hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Cục lưu trữ và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ là bảo vật quốc gia. Là Bảo vật quốc gia bởi 118 bản sắc lệnh đều là bản sắc lệnh mang giá trị, ý nghĩa đặc biệt, minh chứng cho sự quyết tâm, chỉ đạo với những quyết sách đúng đắn, sát sao của Đảng và Chính phủ 73 năm trước.

Chính phủ lâm thời - chuyện của 73 năm trước
Bác Hồ thăm các lớp Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu.

Có 87 sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, 25 sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký, 43 sắc lệnh được đóng dấu đỏ.

Đơn giản như Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Ngày 4/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký sắc lệnh số 5 ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Theo đó, quốc kỳ có “nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh vàng tươi”.

Từ nhiệm vụ cấp bách quan trọng mà Chính phủ Lâm thời đề ra là chống nạn mù chữ trong toàn quốc, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành 3 sắc lệnh quan trọng về bình dân học vụ. Điều đáng chú ý là cả 3 sắc lệnh này đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký. Sắc lệnh số 17/SL yêu cầu thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Sắc lệnh 19/SL còn quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có lớp học ít nhất có 30 người theo học. Sắc lệnh 20/SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ, không mất tiền. Hạn 1 năm tất cả người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Sau khi sắc lệnh được ban hành, phong trào toàn dân tham gia bình dân học vụ phát triển rộng khắp, lôi cuốn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tham gia, nạn mù chữ được thanh toán một bước quan trọng.

Một trong những Sắc lệnh mang tính lịch sử nữa là Sắc lệnh lập “Quỹ độc lập”. Theo Quyết định của Chính phủ, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ban hành Sắc lệnh số 4 lập “Quỹ độc lập” với mục đích “để thu nhận món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”. Tiếp sau đó, cũng trong khuôn khổ Quỹ Độc lập, Chính phủ đã đề ra biện pháp tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn dân dịp “Tuần lễ vàng”, nêu rõ mục đích của việc lập quỹ là “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”.

Chính phủ lâm thời - chuyện của 73 năm trước

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu QH khóa 1 (Ảnh: Tư liệu)

Hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước đã dấy lên phong trào tự nguyện thi đua đóng góp tiền của, vàng bạc… ủng hộ Chính phủ. Tính trong cả nước, “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 60 triệu đồng và 370 kg vàng. Nên nhớ, sau khi giành chính quyền, quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng.

Nói đến những sắc lệnh lịch sử không thể không nói đến những sắc lệnh để có cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Từ 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ta quốc hội, ngày 8/8/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Số cử tri tham gia bỏ phiếu trên cả nước là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần ¼ cử tri có quyền bầu cử đi bầu cử thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu sự trưởng thành của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam đối nội, đối ngoại./.

Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp; Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu; Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền; Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà; Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh; Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Giao thông Công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng; Bộ trưởng Cứu tế Xã hội Ngô Văn Tố; Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận; Ủy viên Chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

Theo Nhà báo & Công luận

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.