Kỳ Xuân là một trong 4 địa phương chịu thiệt hại nặng từ sự cố môi trường biển của huyện Kỳ Anh. Hoạt động SXKD của hơn 871 hộ với 3.390 nhân khẩu vốn dựa vào nguồn thu từ biển đã bị ngưng trệ, đời sống khó khăn.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Lĩnh, sau khi có chính sách hỗ trợ gạo, tiền của Chính phủ, tỉnh, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thành lập ban tiếp nhận và phân phối nguồn hàng, đồng thời triển khai ngay việc rà soát các đối tượng bị thiệt hại. Trong việc rà soát, ngoài vai trò của xã thì quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ thôn xóm và các tầng lớp nhân dân đánh giá, bình xét. Làm như vậy vừa tạo được sự đồng thuận, vừa khách quan và đúng đối tượng.
Đến nay, Kỳ Xuân đã chi trả đến tận tay số tiền hỗ trợ 780 triệu đồng cho 165 chủ tàu trên địa bàn theo Quyết định 1121 của UBND tỉnh; cấp phát đến tận tay bà con trên 159 tấn gạo theo các quyết định 1037, 1121, 2070 của UBND tỉnh. Đối với nguồn hàng hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, do số lượng hạn chế, nên ngoài việc ưu tiên cho các chủ nhà hàng kinh doanh hải sản ven biển bị thiệt hại quá nặng, thì số lượng còn lại, xã đã giao cho các thôn xóm để bàn bạc, bình xét.
Cách làm của Kỳ Xuân cũng là chủ trương và giải pháp chỉ đạo chung huyện Kỳ Anh đã triển khai trong thời gian qua. Theo Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn, xác định việc hỗ trợ bà con, ổn định tình hình là nhiệm vụ cấp bách, huyện đã nhanh chóng vào cuộc, thành lập các tổ công tác bám nắm địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền đạt các chủ trương, chính sách đến người dân. Thậm chí, còn tổ chức đối thoại để hạn chế, phản bác các luận điệu xấu của các thế lực thù địch.
Huyện Kỳ Anh tổ chức phát gạo hỗ trợ cho bà con ngư dân vùng bị thiệt hại
Đối với các nguồn hàng hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh và các tổ chức, cá nhân, huyện Kỳ Anh đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng. Trong đó, phát huy tối đa dân chủ cơ sở, để người dân tham gia rà soát, đánh giá để đảm bảo sát, đúng. Song song với việc thành lập bộ phận tiếp nhận, phân phối nguồn hàng, huyện Kỳ Anh còn thành lập ban giám sát, kiểm tra trước, trong và sau rà soát, phân phối. Hàng về đến đâu, tổ chức phân phát đến đó, thực hiện ngay tại xã, thôn, không để hàng tồn đọng trong kho, không để bà con phải chờ đợi, gây bức xúc. Đến nay, Kỳ Anh đã chi trả 2,050 tỷ đồng cho 455 chủ tàu trong vùng bị ảnh hưởng; cấp phát trên 451 tấn gạo theo các quyết định của UBND tỉnh cho hơn 8.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng tại các xã: Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Hải...
Theo các đồng chí lãnh đạo huyện Kỳ Anh, việc thực hiện kịp thời, khách quan các chính sách hỗ trợ ngư dân thời gian qua đã giúp địa phương đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Đó là phải biết phát huy cao độ dân chủ ở cơ sở; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền, đồng thời tranh thủ sự phối hợp, đồng hành của MTTQ và các đoàn thể; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, xử lý nghiêm các cán bộ không tâm huyết, để chậm trễ trong quá trình triển khai chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cơ sở, tăng cường bảo đảm ANTT để giữ vững môi trường ổn định...
Tuy vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới còn hết sức nặng nề, nhất là khi Chính phủ công bố, triển khai chính sách hỗ trợ, đền bù tổng thể. Huyện đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về việc rà soát, kiểm đếm một cách dân chủ, đúng đối tượng, đánh giá theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực kiểm tra, giám sát của MTTQ, đoàn thể trong việc rà soát, kiểm đếm.
Hiện nay, huyện đang chờ văn bản hướng dẫn cuối cùng của tỉnh về phương án triển khai kiểm đếm, đền bù. Kỳ Anh cũng đã sẵn sàng mọi điều kiện về tổ chức, con người để khi có chính sách ban hành sẽ triển khai nhanh, đúng, khách quan nhất.