Chợ cá Kim Đôi...

(Baohatinh.vn) - Chợ cá làng tôi còn gọi là chợ cá Kim Đôi. Kim Đôi là tên làng ngày xưa, bây giờ là xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Chợ cá Kim Đôi...

Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) phân loại sản phẩm sau khi đi khai thác về bờ.

Kim Đôi cũng có nghĩa là gò vàng. Cái gò vàng như mũi chân cái nhô ra màu cát vàng vốn là nơi có cửa sông chảy ra biển, gọi là Cửa Sót. Nơi đây giờ thành cảng cá Cửa Sót, cảng cá lớn nhất tỉnh được xây dựng khá khang trang gồm các dãy ki-ốt bán hàng, đại lý xăng dầu cùng một diện tích khá rộng để các loại xe đậu và người dân họp chợ cá, bán buôn rộn ràng, nhộn nhịp.

Chợ cá thường bắt đầu họp từ 3h sáng, đến khoảng 6h thì tan. Đó là khoảng thời gian để đón các loại tàu, thuyền đánh bắt trở về và kịp thời phân phối, khơi thông mạch hàng hải sản tươi đến các đầu mối, các chợ kịp họp buổi sáng. Dân quê tôi thường truyền nhau câu nói cửa miệng: “Chạy như chạy cá tươi”, vì cũng một loại hải sản nhưng tươi thì được giá, còn ươn thì mất giá. Mà đặc điểm của hải sản là cá càng ngon, độ đạm càng cao thì dễ ươn, vì thế, việc chạy thi với thời gian, với thời tiết, nhất là những ngày nắng nóng diễn ra thầm lặng và quyết liệt. Những loại hải sản quý hiếm như: cá mú, cua, ghẹ, tôm hùm, mực nháy phải có những đồ chuyên dụng riêng đựng nước biển sạch, sục oxy để cho hải sản sống thì càng được giá.

Chợ cá Kim Đôi...

Tàu cá của ngư dân Lộc Hà cập cảng cá Cửa Sót.

Tôi tìm gặp cô cháu gái Võ Thúy Hằng - con anh bạn học cùng lớp phổ thông ngày trước. Hằng là một trong những người buôn cá có tên tuổi ở đây bởi sức bật trẻ trung, tháo vát, chịu khó. Nhìn mặt bằng đông đúc của chợ cá với muôn sắc màu quần áo, với muôn giọng nói nhỏ to mà phần lớn là phụ nữ thì ta đâu biết ở đây đã hình thành 3 khu vực chợ có “biên giới” hẳn hoi dù không phân chia rạch ròi mà chỉ có người trong cuộc mới biết và tự nguyện “khoanh vùng” cho mình tại các khu chợ riêng biệt ấy.

Hằng bảo: Chú phải nhìn vị trí tàu thuyền và các loại xe tải đậu dưới nước và trên bờ mới phân biệt được các khu vực chợ cá theo “luật bất thành văn”. Khu vực ngoài cùng tính theo chiều ngang của cảng cá từ đường vào là “cá giạ”, nghĩa là đối diện với khu vực các tàu đánh bắt bằng lưới giạ.

Thường cá ở đây nhiều, rẻ nhưng không ngon vì đã ngâm trong hầm cá lâu ngày. Khu vực tiếp theo là “cá xe”, cá này được bốc dỡ từ các xe đông lạnh đã chở xuống đây từ rất sớm trước khi chợ họp. Cá thường được đựng trong các khay. Cá loại này được đánh bắt từ các tỉnh khác nhập về đây từ các xe tải đông lạnh lớn bỏ mối xuống ngã ba Thạch Long (trên quốc lộ 1) để phân ra các xe tải nhỏ đưa về đây bán, chủ yếu cho những người ở các nơi khác, còn người dân địa phương ít khi mua ăn.

Khu vực cuối chợ là “cá câu” đối diện với các tàu thuyền câu nhỏ đậu san sát mép cảng. Tàu thuyền câu này chủ yếu là của dân địa phương, đánh bắt thời gian ngắn, hải sản tươi roi rói chưa “qua đá” và các loại hóa chất bảo quản. Ở khu vực này, từng dãy cá thu xếp hàng dài cỡ 10 kg trở lên, da cá còn bóng nhẵn, mắt cá ánh ngời lân tinh; những rổ mực như còn nhấp nháy óng ánh tươi rói; những khay tôm vằn còn búng càng thon thót, tí tách.

Chợ cá Kim Đôi...

Từ sáng sớm, cảng cá Thạch Kim đã nhộn nhịp kẻ bán, người mua.

Qua tìm hiểu khu vực “cá câu” chiếm địa bàn rộng nhất ở chợ cá, tôi còn biết thêm nhiều bí ẩn thú vị. Đầu tiên con cá đưa từ thuyền lên bờ là phải trả tiền công cho người chuyển cá gọi là “tiền bánh”. Thường chuyển một tạ cá thì được 200.000 đồng. Sau đó, vợ “nhà nghề” ra giá. “Nhà nghề” là chủ thuyền - người bỏ tiền ra đóng thuyền, mua các dụng cụ câu lưới để thuê bạn chài đi đánh bắt.

Hằng ở trong nhóm hơn chục chị em chuyên “hàng câu”. Trong số này có người đầu tư tiền cho “nhà nghề” để sắm sửa dụng cụ đi biển nên được ưu tiên trước. Sau khi trả giá và nhất trí giá với “nhà nghề” thì mua luôn gọi là “mua sỉ”, sau đó bán lẻ cho những người khác. Tôi tò mò hỏi: “Thế bán giá cao hơn bao nhiêu?”. Hằng cười: “Bọn cháu lấy số lượng là chính, ví như mua 13 thì bán 14, chênh lệch khoảng 1 giá chú ạ”. Bán lẻ xong còn thừa cá thì nhóm của Hằng đưa về nhà ướp đông, hút chân không hoặc nướng, sau đó bỏ lên xe ô tô (nếu cá nhiều) hay xe máy chạy lên các chợ lớn như chợ tỉnh, chợ Vườn Ươm trên thành phố, còn các chợ nhỏ dưới này chủ yếu là dành cho người mua lẻ.

Chợ cá Kim Đôi...

Chợ cá Kim Đôi luôn đầy ắp các mặt hàng.

Chợ cá làng tôi lâu nay còn có một từ thông dụng là “cá xe” - là các xe ô tô đông lạnh chở cá các nơi về đây để bán khi ngư trường quê tôi hiếm dần và nghề vó ánh sáng ở đây không còn tồn tại. Vì thế mới có câu “cá xe đè cá vó”. Nhưng còn một loại “cá xe” khác là xe máy của dân làng tôi chở cá tươi, cá nướng vào các chợ nông thôn bán.

“Cá xe” thô sơ nhất là phương tiện xe đạp đèo cá len lỏi vào các ngõ xóm đến từng nhà rao bán. Cá cứ thế đi muôn nơi mang vị đậm đà biển khơi lộng gió đến với từng bữa ăn gia đình Việt thuần nông có thêm chất tươi, chất đạm. Hằng còn cho biết thêm: Giờ có thông tin hiện đại nên “chợ cá trên mạng” của quê tôi đã vươn ra tận Hà Nội; tất nhiên phải là cá câu, có thương hiệu uy tín, cá của làng bán cho các ki-ốt của người làng ngoài đó. Thông qua Facebook, qua các video, sau khi nhất trí giá, cá tươi sạch được đóng thùng cẩn thận, đúng tiêu chuẩn gửi theo xe giường nằm ra bến xe Nước Ngầm, Mỹ Đình trong thời gian ngắn nhất và nhận tiền gửi qua tài khoản.

Chợ cá Kim Đôi...

Thành quả sau chuyến đi biển của ngư dân Thạch Kim.

Tôi hỏi Hằng: Dân gian có câu “chim, thu, bù, ngứa” là sự sắp xếp thứ tự các loại cá ngon đúng không, bởi thấy có rất nhiều loại đặc sản đắt, hiếm nhưng không được xếp loại ở đây như cá nhỡ? Hằng nói: Câu ấy chưa chính xác lắm vì cá ngon, cá béo phải đúng mùa, “mùa nào thức ấy”, ví như mùa hè đánh vó mành thì được nhiều loại cá nục, cá chuối; còn cá thu, cá trồi đánh bắt bằng câu vằng, loại sợi dây câu dài nhiều lưỡi, câu cá được nhiều nhưng béo theo con nước. Mùa đông chủ yếu cá béo nằm sát đất như cá hồng, cá mú, cá nhỡ. Đặc biệt là con mực. Mực của Hằng mua ở chợ cá Kim Đôi thường là mực một nắng mổ phơi ngoài biển, ướp cái nắng cái gió trong lành của đại dương, ướp cả tình người rộng mở, phóng khoáng của người dân chài, ướp cái linh khí của đất trời cao rộng nên có chất lượng đặc biệt rất ngon của vùng quê biển nơi đây: Mực ngon, ngọt là món đưa cơm rất tuyệt. Sở dĩ mực ở chợ cá làng tôi ngon là vì nồng độ nước mặn ở đây đủ độ mặn, đủ độ lạnh cần thiết. Mực của biển trong miền Nam không ngon không béo bằng ngoài này bởi nước biển trong đó quanh năm nóng làm tiêu hao mỡ con mực. Ngoài này nước biển lạnh nên mực sinh ra mỡ để chống lại độ lạnh sâu của nước.

Chợ cá làng tôi, kẻ bán người mua trao nhau cá tươi, tiền thật. Chợ chỉ họp một vài giờ mà lao xao, ấm áp cả một vùng quê. Tiếng cười nói lao xao nhưng có một trật tự ngầm trong đó, không chỉ là sự phân chia từng khu vực định lượng, chất lượng cá mà còn có sợi dây dính kết cộng đồng xã hội của lòng tin và tính cách con người làng biển. Đó chính là vị đậm đà, chân chất tình người từ ngàn đời ở chợ cá trên Gò Vàng Kim Đôi làng tôi.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.