Cho đi chính là gieo vào lòng người và gieo vào lòng mình niềm hạnh phúc thiết tha nhất.
Tôi đã học được điều này từ những câu chuyện về tập tục của các dân tộc trên thế giới, từ bạn bè xung quanh và từ chính những trải nghiệm của bản thân mình. Hành động cho đi không phải chỉ thể hiện bằng vật chất mà còn được thể hiện từ tấm lòng và tình thương xuất phát từ tâm ý của mỗi người.
Mọi thứ chúng ta có được như: tiền bạc, lời nói, ánh mắt, hành động, thời gian… đều có thể ban tặng cho một ai đó, chỉ cần tâm chúng ta luôn rộng mở. Khi khiến người khác hạnh phúc thì chính mình cũng được nhận thêm một niềm hạnh phúc.
Trong một lần đến đất nước Hàn Quốc, tôi cứ ấn tượng mãi về câu chuyện người hướng dẫn viên kể về những vườn hồng vùng nông thôn phía Bắc Hàn Quốc. Vào mùa thu hoạch, người dân bao giờ cũng trừ lại những quả hồng mọng đỏ trên cây tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh đó là câu chuyện cảm động về sự cho đi, về bài học mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Chuyện kể rằng, vùng này là nơi di trú của loài chim Hỉ Thước. Vào một mùa đông giá lạnh, do không kiếm được thức ăn nên bầy chim đã chết. Mùa xuân năm ấy, vườn hồng bị côn trùng gây hại khi vừa đơm hoa kết quả. Từ đó, đến mùa thu hoạch, người dân nơi đây thường trừ lại một ít quả hồng trên cây làm thức ăn cho chim. Loài chim cũng như muốn trả ơn con người mà ở lại đến mùa xuân để bắt côn trùng. Từ đó, mùa hồng nào cũng bội thu.
Câu chuyện ấy cũng đã trở thành bài học sâu sắc để người dân nơi đây giáo dục con cái về sự cho đi. Và chắc hẳn, đó cũng trở thành một trải nghiệm sâu sắc cho du khách, khiến những vườn hồng neo sâu hơn vào trí nhớ của họ.
Vượt qua khó khăn, dành thời gian, tâm huyết để đến tận nơi, trao quà của các tổ chức từ thiện cho người dân vùng tâm lũ cũng là cách cho đi đầy đẹp đẽ của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong những cơn hoạn nạn của quê hương.
Tôi may mắn có được những người bạn giàu lòng nhân ái. Với các bạn, cho đi chính là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Cho đi không phải là hoàn toàn mất đi mà chính là một cách thu hoạch. Điều thu hoạch được đó chính là hạnh phúc, làm cho tâm hồn mình trở nên giàu có hơn, đẹp đẽ hơn.
Không cần phải chờ đợi đến lúc giàu có mới đi làm từ thiện. Rất nhiều người coi việc nối nhịp những tấm lòng từ thiện với những mảnh đời bất hạnh cũng là một cách cho đi. Cứ mỗi lần kêu gọi, quyên góp, giúp đỡ được ai đó, tự tâm sẽ tỏa ra hơi ấm của niềm hạnh phúc. Họ cũng chia sẻ rằng, hơn mọi lời giáo huấn, chính việc làm của mình đã trở thành bài học sâu sắc nhất đối với con cái về sự chia sẻ, về sự cho đi.
Thực tế trong cuộc sống, rất nhiều người đã lựa chọn cách sống cho đi như thế. Điều đó thể hiện rất rõ trong những thời điểm cộng đồng rơi vào hoạn nạn.
Đó là những giám đốc cho mượn khách sạn để làm nơi cách ly trong cao điểm dịch bệnh Covid-19, những người xung phong vào làm việc trong các khu cách ly; những người quên đi hiểm nguy, tự mình chạy mô tô nước, lái xuồng, huy động nguồn hỗ trợ và trực tiếp đến tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các nhà dân trong đợt lũ lụt năm 2020 ở Hà Tĩnh; một ca sỹ dành hết tiền cát - sê của mình tặng cho đồng bào gặp thiên tai…
Và mỗi ngày, có rất nhiều tổ chức, nhóm, cá nhân vẫn âm thầm kêu gọi, quyên góp để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó… Họ cứ như những nốt nhạc đẹp đẽ, treo lên trong cuộc sống bài ca hạnh phúc.
Mua giúp người khuyết tật một món hàng bằng thái độ tử tế là cách trao gửi thiên lương đẹp đẽ của con người.
Quan niệm của cho không bằng cách cho, nhiều người lại tự mình chọn lựa cách làm từ thiện riêng. Có lần tôi đã chứng kiến một nhóm bạn cùng nhau đi mua nguyên liệu, cùng nhau làm bánh rồi mang đến cho trẻ em những vùng khó khăn.
Ở đó, họ cắt bánh cho trẻ, ôm các em vào lòng để trò chuyện, tổ chức trò chơi cho các em. Có thể giá trị vật chất không lớn nhưng họ đã mang đến cho trẻ em nghèo những khoảnh khắc vui chơi đặc biệt. Hơi ấm mà họ trao đi cũng sẽ dội về trong lòng họ những luồng hạnh phúc mới mẻ, ấm áp.
Thực ra, cho đi không nhất thiết phải là điều gì đó quá lớn lao về vật chất mà đôi khi cách bạn truyền đi một tinh thần tích cực cũng vô cùng quan trọng, thậm chí có khả năng cứu rỗi được một cuộc đời. Khi con người ta đang rơi vào tuyệt vọng, mọi thứ với họ đều trở nên nhỏ bé, trong khi ấy, nếu bạn lại nói điều gì đó đẩy họ sâu hơn vào niềm tuyệt vọng ấy thì rõ ràng bạn rất tàn nhẫn.
Lúc ấy, bạn chỉ cần đến bên họ, trao cho họ một cái nắm tay, một ánh mắt ấm áp, một sự sẻ chia chân thành, tức là bạn đã đem đến cho họ niềm tin vào cuộc sống. Sự cho đi ấy tuy vô hình mà lại có sức nặng vô cùng. Và để làm được điều đó, tâm bạn phải thật nhân hậu, thật sâu sắc.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi”. Điều đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất của sự cho đi chính là không đòi nhận lại. Bởi chỉ cần một ý nghĩa nhỏ nhoi về sự nhận lại thì chắc chắn tâm tư của người cho sẽ lấn cấn, không thoải mái. Đó là hành động cho đi có toan tính và tương ứng là niềm hạnh phúc bạn nhận được không trọn vẹn ý nghĩa thuần khiết của nó.
Hiến máu cứu người - hành động đẹp đẽ đang ngày càng được nhiều người hưởng ứng thực hiện.
Ngồi viết những dòng này, tôi cũng đang nhận về một niềm hạnh phúc ấm áp khi nghĩ đến những thiên lương tốt đẹp trong xã hội.
Chính tôi cũng đã có lần nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè khi kêu gọi cho một hoàn cảnh nào đó; chính tôi cũng đã nhận được những món quà vô giá là tình cảm chân thành, là thời gian của người thân, bạn bè; và chính tôi, từ những bài học trong cuộc sống cũng đã biết cho đi những điều mình có. Để nhân lên trong lòng mình, trong lòng người những thiết tha, ấm áp. Để cùng với mọi người viết nên giai điệu đẹp đẽ nhất về hạnh phúc!