Chờ đợi không là hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Ngày muộn, thấy số điện thoại của cô giáo, tôi giật mình lo lắng. Đến giờ này vẫn chưa có ai đón con cả, gọi điện chồng: “Sao anh không đón con? Em đã bảo hôm nay em có việc về muộn rồi mà!”. Anh giật mình: “Thôi chết! Anh xem bóng đá nên quên mất”.

Sân trường vắng tanh, ánh đèn hắt ra từ khung cửa lớp nhạt nhòa. Cô giáo đang dọn dẹp lớp học, con ngồi một mình thu lu nơi cửa lớp, ánh mắt thẫn thờ nhìn ra khoảng không chờ đợi. Thấy bóng mẹ, con như giật mình thảng thốt, ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc nức nở. Một cảm giác ân hận xâm chiếm lấy tôi suốt quãng đường về.

cho doi khong la hanh phuc

Đợi chờ bố mẹ sau mỗi buổi chiều tan học là nỗi ám ảnh của không it đứa trẻ ngày nay. (Ảnh mang tính minh hoạ)

Người lớn vì áp lực cuộc sống, vì bao công việc bộn bề luôn có trăm nghìn lý do để không thể đón con đúng giờ nhưng với trẻ con, đó chỉ duy nhất là nỗi ám ảnh phải đợi chờ. Và đó là nỗi ám ảnh mà rất nhiều đứa trẻ ngày nay đang phải trải qua.

Tuổi thơ tôi cũng đã từng nhiều lần nước mắt ngấn bờ mi mỗi chiều tan học. Cái cảm giác hụt hẫng, buồn bã rồi sợ hãi khi từng bạn, từng bạn được bố mẹ đón về, chỉ còn lại mình tôi với cô giáo hoặc bác bảo vệ trong sân trường vắng tanh vẫn ám ảnh đến bây giờ. Với một đứa trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu hết nỗi vất vả của cuộc mưu sinh thì sự chờ đợi sau mỗi chiều tan học thật kinh khủng.

Khi học mẫu giáo, sự hờn trách được thể hiện bằng những giọt nước mắt, những cơn khóc òa; khi lớn hơn chút nữa, tôi như quen dần với điều đó và cứ mặc định rằng, sau mỗi buổi học là sự chờ đợi. Nó lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, cho đến lúc tôi có thể tự mình đạp xe đi học. Chiều nay, ánh mắt con một lần nữa nhắc tôi nhớ về những ám ảnh đợi chờ thời thơ bé. Tôi vẫn thường nhắc mình cố gắng để con không phải trải qua cảm giác đó, nhưng rồi cuộc sống bộn bề và đôi khi vì bận, vì quên, người lớn chúng ta vẫn để con trẻ lẻ loi, thui thủi trong những buổi chiều chờ đợi.

Vẫn biết, ai chẳng muốn được thong thả đón con đúng giờ, nhưng vì điều kiện không cho phép, cha mẹ vẫn phải để con chờ. Nhưng cũng có người nghĩ rằng, việc của người lớn mới quan trọng, trẻ con chỉ có mỗi việc chơi thì chờ bố mẹ tí cũng chẳng sao. Chính vì suy nghĩ đó mà nhiều đứa trẻ trải qua tuổi thơ là những tháng ngày chờ đợi và lâu dần trở thành nỗi ám ảnh trong tiềm thức. Đó là chưa kể đến trong xã hội ngày nay, nguy cơ đối với trẻ là luôn tiềm ẩn. Chúng sẽ không đủ sức tự bảo vệ mình và những điều tồi tệ có thể xảy đến trong sự hối hận muộn màng của người lớn.

Mang đến cho con một cuộc sống đủ đầy về vật chất là mong muốn của hầu hết cha mẹ, nhưng cuộc sống tinh thần của con cũng rất quan trọng. Bắt con chờ đợi - điều tưởng chừng như là nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con. Trẻ con không cần biết lý do bố mẹ không đón chúng đúng giờ và chắc hẳn những đứa trẻ phải trải qua giờ phút chờ đợi đó sẽ không tránh khỏi cảm giác bị “bỏ rơi”. Vì với chúng, chờ đợi chưa bao giờ là hạnh phúc.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.