Để đến khu rừng tái sinh tự nhiên ở Khe Bạc (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh), cán bộ BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phải vượt quãng đường rừng khoảng 3km.
Vượt qua quãng đường khoảng 3 km tính từ Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Cổng Khánh nằm trên quốc lộ 8B tuyến đường tránh qua TX Hồng Lĩnh, tôi và 2 cán bộ quản lý rừng phòng hộ phải mất gần 1 giờ đồng hồ chạy xe máy và đi bộ theo đường băng cản lửa mới đến được khu rừng thuộc khoảnh 6, tiểu khu 121, nằm trên khu vực Khe Bạc núi Hồng Lĩnh (thuộc địa phận xã Đậu Liêu).
Khu rừng tái sinh có diện tích 65 ha, gồm nhiều loài cây bản địa như: dẻ, thành ngạnh, chân chim, lát, sồi… hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh ngút ngàn. Đây là một khu trong 504,25 ha rừng vừa được Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh tái sinh thông qua mô hình “Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên”, thuộc dự án chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Màu xanh ngút ngàn của khu rừng được khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Chứng kiến khu rừng xanh tươi ở thời điểm hiện tại, ít ai biết rằng, cách đây 5 năm và xa hơn là vài chục năm về trước, nơi này là vùng đất trống chỉ có thảm cỏ gianh, thực bì hoặc cây bụi…
Anh Trần Quốc Sơn, phụ trách Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Cổng Khánh, thuộc BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết: “Hệ quả của việc đốt, phá rừng bừa bãi những năm 1980-1990 đã khiến nhiều khu rừng trên núi Hồng Lĩnh biến mất, thay vào đó là những khoảng trống, đồi trọc hoặc cây bụi, dây leo. Sau khi có các dự án 327, 661, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, lúc ấy gọi là Lâm nghiệp Hồng Lĩnh cùng người dân đã tiến hành trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc với diện tích hàng nghìn ha. Tuy nhiên, do vị trí địa lý ở khu vực hiểm trở và điều kiện khó khăn, nhiều diện tích vẫn bỏ trống.
Một thời gian dài, không còn rừng, những khoảng đồi núi mênh mông trở nên trơ trọi, mùa mưa dễ bị xói mòn, sạt lở; mùa hè những thảm cỏ gianh, dương xỉ khô là điều kiện để dễ phát lửa lây lan gây nên các vụ cháy rừng”.
Anh Trần Quốc Sơn (người đứng trước) có hơn 30 năm gắn bó với công tác trồng và bảo vệ rừng Hồng Lĩnh.
Theo thống kê của BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tính đến năm 2019, tổng diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý là 9.684,5 ha. Trong đó, diện tích có rừng 6.694,7 ha, đất trống 2.989,8 ha.
Trước đó, khoảng từ năm 2001 lại nay, bên cạnh việc chăm sóc và bảo vệ gần 7.000 ha rừng, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cũng siết chặt công tác quản lý và bảo vệ gần 3.000 ha đất trống, gồm cây bụi và thảm thực vật; hạn chế tối đa việc khai thác của người dân. Đó là điều kiện để nhiều giống cây thân gỗ bản địa dần tái sinh và sinh trưởng.
Năm 2019, sau quá trình khảo sát và nhận thấy trong số diện tích đất trống, mật độ các loại cây thân gỗ tự nhiên tái sinh, sinh trưởng tốt, có triển vọng để phát triển thành rừng tự nhiên, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã tiến hành xây dựng mô hình “Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên”.
Mô hình lựa chọn 504,25 ha trong tổng số 2.989,8 ha đất trống có cây gỗ để tiến hành tái sinh tự nhiên, đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ với thời gian thực hiện 6 năm (2019-2025). Mô hình được thực hiện tại 102 lô, thuộc 43 khoảnh, 15 tiểu khu, nằm trên địa bàn hành chính các xã: Cổ Đạm, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân); Thiên Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc); Hồng Lộc (Lộc Hà); các phường: Trung Lương, Đức Thuận, Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh).
Một thân cây dẻ có chiều cao trên 10m, chu vi khoảng 80 cm trong khu rừng tái sinh tự nhiên.
BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh tiến hành nhiều giải pháp, kỹ thuật khoanh nuôi để thực hiện mô hình. Trong đó về bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh hiện có và phòng cháy, chữa cháy rừng, BQL đã tổ chức lực lượng là các hộ dân nhận khoán bảo vệ và lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có mô hình và lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý hành vi làm tổn hại rừng.
Lập các phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng; thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động gần rừng phòng hộ trong công tác PCCC; về mùa nắng nóng tăng cường công tác PCCC, các tổ trực phòng cháy trực 24/24h. Về biện pháp tác động, tại các khu vực khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, cán bộ, công nhân đơn vị thường xuyên kiểm tra, thực hiện việc phát cục bộ dây leo, cây bụi, tạo điều kiện cho các cây thân gỗ phát triển…
Với sự quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân viên BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, mô hình “Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên” đã đạt nhiều kết quả tích cực, 100% diện tích triển khai mô hình đã từng bước phát triển thành rừng tự nhiên bền vững. Trong đó, nhiều khoảnh rừng tại các tiểu khu, các loài cây thân gỗ bản địa như: dẻ, lát, thành ngạnh, chân chim phát triển tốt, có nhiều cây cao 10-15m, đường kính từ 15-25 cm; mật độ cây thân gỗ đạt trung bình 510 cây/ha…
Với sự khoanh nuôi, chăm sóc tốt, rừng tái sinh tự nhiên với nhiều loài cây bản địa được đánh giá có giá trị lớn trong bảo vệ môi trường.
Kết quả việc thực hiện mô hình đã giúp hình thành được khu rừng tự nhiên, có đa dạng sinh học cao. Với nhiều thành phần loài cây bản địa, có tác dụng phòng hộ môi sinh môi trường, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan và phát triển bền vững. Đồng thời có khả năng chống chọi được với các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Hồng Lĩnh như cháy rừng, sâu bệnh, gió bão... Bên cạnh đó, nhờ khôi phục môi trường sinh thái tự nhiên, nhiều loài động vật, sinh vật hoang dã bản địa cũng đã từng bước hồi sinh trở lại.
Là một trong những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tái sinh, bà Phùng Thị Thủy (tổ dân phố 8, phường Đậu Liêu) bày tỏ: “Ngắm khu rừng đang dần trưởng thành và ngày càng xanh tươi, tôi cảm thấy lòng mình thêm hân hoan, hạnh phúc. Bởi, nhờ mô hình của BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, chúng tôi có cơ hội góp sức mình tạo nên cánh rừng tự nhiên có giá trị lớn trong phòng hộ và môi trường”.
Khu vực khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên thuộc khoảnh 6, tiểu khu 121 thuộc khu vực Khe Bạc
Ông Nguyễn Hải Vân - Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết: “Từ những kết quả bước đầu, sau khi thực hiện mô hình “Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên”, chúng tôi càng khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc tái sinh rừng bền vững.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ và rà soát diện tích trống còn lại để tiếp tục khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh những khu vực tiềm năng. Qua đó không ngừng nhân lên các khu rừng cây bản địa có giá trị cao trong phòng hộ và ý nghĩa lớn về đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái môi trường, điều mà các khu rừng trồng còn hạn chế”.