Trong mùa dịch, đám cưới nên tổ chức theo hướng rút gọn để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh tư liệu
Đang nấu cơm thì bà nội cu Bi gọi điện báo ngày mai bác D. trong xóm cưới con gái mời vợ chồng tôi về liên hoan. Mẹ tôi bảo đám cưới mời “rộng” lắm, những 70 mâm nên họ hàng, làng xóm xa gần đều có “thành phần”.
Giữa mùa dịch Covid-19, nhận được thiệp cưới, lại ở quê chồng, tôi cũng do dự lắm, nhưng rồi quyết định về quê khi sắp hết giờ làm việc ở cơ quan. Hai dãy rạp dài, người ăn uống, nói cười rộn ràng mà trong lòng tôi dấy lên một mối lo. Nếu chẳng may có ai đó trong số khách mời ở đây đi từ vùng dịch về thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Có thể biện minh rằng, văn hóa người Việt Nam trọng tình, mang tính cộng đồng cao nên việc tụ họp, vui chơi, gặp gỡ, chia sẻ là nhu cầu không thể thiếu.
Có thể giải thích, đám cưới, đám tang - những việc hiếu hỉ hệ trọng của một gia đình nếu không được tổ chức đầy đủ với sự tham gia của đông đảo bạn bè, bà con thân hữu thì thật thiệt thòi cho gia chủ.
Nhưng ai sẽ chịu hậu quả khi trong bối cảnh hiện nay, những hoạt động đó đang tạo ra môi trường thuận lợi khiến dịch bệnh có thể lây lan với cấp số nhân, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh phát tờ rơi phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Đình Nhất
Cuộc sống vẫn đang diễn ra với rất nhiều nhu cầu vốn có. Gặp gỡ, vui chơi, hội họp, lễ mítinh, đi lễ chùa, đi nhà thờ, thực hành tín ngưỡng đều là một phần đời sống tinh thần của con người. Thế nhưng, những hoạt động tập trung đông người đang là môi trường thuận lợi nhất để phát tán dịch Covid -19, buộc chúng ta phải đặt lên bàn cân để có sự lựa chọn đúng đắn.
Mấy hôm nay, diễn biến dịch càng trở nên phức tạp, khó lường kể từ khi số ca dương tính với Covid-19 có liên quan đến chuyến bay London - Hà Nội VN0054 liên tục gia tăng. Nếu như một lúc nào đó, chúng ta đã rơi vào tâm lý chủ quan khi cả nước không có ca mắc bệnh mới trong 22 ngày, 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh, thì giờ đây, con số 34 bệnh nhân xuất phát chủ yếu từ một chuyến bay đang “buộc tội” cho sự thờ ơ của chính chúng ta.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn thay mặt BTV Tỉnh ủy ký ban hành Công điện 2087 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid - 19 tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (ngày 6/2/2020). Ảnh: Phúc Quang
BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có công điện kịp thời chỉ đạo dừng tổ chức các hoạt động chúc mừng, lễ kỷ niệm. Theo đó, hạn chế các hoạt động tập trung đông người; nên tổ chức việc cưới theo nếp sống mới, chỉ liên hoan nội bộ gia đình, giảm tối đa khách mời; tổ chức việc tang đảm bảo văn minh để hạn chế khả năng có thể lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Công điện yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tổ chức phạm vi nhỏ góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. Trong điều kiện đặc biệt như hiện nay, các hoạt động tín ngưỡng tổ chức trang trọng, đúng lễ nhưng không quá đông người, thậm chí có thể hành lễ tại nhà để hạn chế nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Các cơ sở y tế sẵn sàng nhân lực, thiết bị chống dịch. Ảnh PV
Đây là giai đoạn phòng chống dịch bệnh vô cùng khó khăn và đầy thử thách khó lường, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Trong số nhiều giải pháp đang được quyết liệt triển khai ở thời điểm dốc toàn lực cho cuộc chiến chống dịch, việc hạn chế tổ chức các họat động đông người càng cần được xem là giải pháp cốt yếu.
Cha ông ta vẫn nói “còn người thì còn của”. Trong thời điểm cam go này, mỗi người cần cân nhắc thật kỹ từng hành động của mình, vì quyền lợi của chính gia đình mình và bản thân. Hãy thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ CHQS tỉnh tổ chức diện tập công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh CTV
Trách nhiệm phòng chống dịch bệnh, vì sự an toàn sức khỏe cộng đồng không chỉ giao phó cho cấp ủy, chính quyền hay ngành y tế mà là của toàn dân. Mỗi hành động đúng, dù nhỏ của từng cá nhân sẽ góp phần quyết định đến công tác phòng chống dịch mà toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện.
Để hạn chế những hậu quả đau lòng, mỗi người hãy hành động có trách nhiệm, tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế và chấp hành chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Khi chung ta chung tay, chắc chắn cuộc chiến với dịch bệnh này sẽ đi đến thắng lợi.
Quán triệt Công điện khẩn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Công điện khẩn số 2087-CĐ/TU ngày 08/3/2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; đến nay các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên đang thực hiện. Tuy vậy, qua kiểm tra, vẫn còn tình trạng tổ chức đám cưới, tang lễ chưa đúng tinh thần nội dung Công điện. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, mẫu mực, đi đầu thực hiện nghiêm túc, triệt để. |