Tìm hiểu, nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí, sự nghiệp và những di sản báo chí của Người có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc nghiên cứu, phát triển và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, xây dựng và đổi mới nền báo chí nước nhà nói riêng. Đó cũng là ước muốn, nguyện vọng và trách nhiệm của những nhà báo hiện nay.
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước chân chính sớm tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ vậy, Người sớm thấm nhuần tư tưởng Lênin về vị trí, vai trò, chức năng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. Về sau, chính Bác Hồ đã kể và nói lên điều đó: “Theo lời dạy của Lênin, tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò”(1).
Dưới ách áp bức của thực dân Pháp, ở Việt Nam - một nước thuộc địa, người dân cam chịu phận nô lệ, nói gì đến tự do ngôn luận, báo chí! Luật kiểm duyệt gắt gao, mật thám săn lùng đến mức mà người Việt Nam nào “có những tờ báo hoặc tạp chí tư tưởng tiến bộ một chút, hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”(2).
Điều ấy đã đủ để nói lên rằng, hoạt động báo chí không chỉ là điều tất yếu để chuyển tải tinh thần cách mạng tới dân chúng mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị, sự gan góc của người chiến sĩ kiên trung - Hồ Chí Minh.
Làm báo đối với Bác Hồ, bởi vậy, chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. Chính người đã mở ra dòng báo chí cách mạng Việt Nam bằng việc sáng lập ra tờ báo Thanh niên, số đầu ra ngày 21/6/1925 và đã tổ chức xây dựng nó theo quan điểm lê-nin-nít về báo chí vô sản. Người cũng luôn đặt ra các câu hỏi “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” để đạt được mục tiêu tối thượng là ngòi bút phải khơi dậy được tinh thần giác ngộ, cổ vũ toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc.
Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16.4.1959 . Ảnh tư liệu |
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Người tâm sự: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí à như vậy đó”(3). Sau này trong Đại hội III của Hội nhà báo, Người lại chỉ rõ, nhấn mạnh thêm: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”(4) và Người quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(5).
Vì “nhiệm vụ” ấy, vì “duyên nợ” ấy, dẫu phải gánh vác lo toan trăm công ngàn việc của người đứng đầu Đảng, vị chủ tịch nước, sáng lập Đảng rồi tổ chức, lãnh đạo toàn dân giành chính quyền, tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, gắn bó với nền báo chí và công tác báo chí.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, bên cạnh việc sáng lập, tổ chức nhiều tờ báo, Người đã viết đăng trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại; gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, với hàng chục bút danh. Người đã từng làm mọi việc của nghề báo, từ viết bài, sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành, đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc làm báo.
Bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về: vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Điều đặc biệt, Người luôn căn dặn các nhà báo phải luôn luôn trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”(6). Bác còn nhắc nhở: “Không nên chỉ nói cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... phê bình phải phê bình một cách “thật thà, chân thành, đúng đắn”(7).
Người yêu cầu người làm báo phải lấy phê bình và tự phê bình để rèn luyện và tiến bộ. Trong đó, điều quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng: “Các nhà báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”. Quần chúng nhân dân - đó là đối tượng phục vụ của báo chí, bởi vậy, Người căn dặn các nhà báo phải biết “Nghe”, biết “Hỏi”, các “thao tác” để có được những tác phẩm báo chí thực sự bổ ích và thiết thực cho nhân dân, cho cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí phong phú cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm báo vận dụng, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; để báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi là vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén trên suốt chặng đường đi tới của dân tộc.
______________
1. Trích bài nói của Hồ Chủ Tịch tại Đại Hội II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959
2. Nguyễn Ái Quốc, “Đông Dương”. LA Revue Communiste, số 4, tháng 4/1941, tr.134.
3. Trích bài nói tại Đại Hội II Hội Nhà báo Việt Nam, tlđd.
4, 5. Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại Hội III Hội Nhà báo Việt Nam 7-8/9/1995.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. NXb CTQG, H.2005, tr.306.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2005, tr.118.