Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì buổi làm việc.
Sáng 12/10, Đoàn Khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23) do đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu có chuyến khảo sát và làm việc với huyện Hương Khê. Cùng đi có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Giám đốc Công an tỉnh - Thượng tá Nguyễn Hồng Phong; lãnh đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị. |
Qua 20 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 23 đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng to lớn, thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, của Nhân dân về khối đại đoàn kết dân tộc.
Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê đã kịp thời ban hành kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn huyện, phổ biến, truyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Cùng với tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện không ngừng được nâng lên; tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê Từ Thị Hòa báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 23.
Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có trên 7.006 đảng viên (169 đảng viên gốc giáo); từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỷ lệ kết nạp đảng viên hằng năm vượt chỉ tiêu, kế hoạch.
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp…, kinh tế - xã hội huyện đã có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 49,22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,96% (giảm 27,54% so với năm 2005).
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Lê Ngọc Huấn: Đồng bào tôn giáo trên địa bàn huyện gắn bó và đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền; đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được chú trọng và có bước phát triển. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá 92,4%; gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao 41,5%.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã vận động được 29,915 tỷ đồng cho “Quỹ vì người nghèo”, quỹ cứu trợ; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.131 nhà ở cho hộ nghèo…
Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã động viên Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Toàn huyện hiện có 16/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 107/201 khu dân cư mẫu đạt chuẩn và 1.348 vườn mẫu đạt chuẩn.
Hương Khê là địa phương có điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, phức tạp; khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp, bám nắm cơ sở, tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp..., đời sống Nhân dân huyện Hương Khê đã có nhiều thay đổi tích cực, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố.
Đặc biệt, trong những năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện luôn được phát huy và có nhiều chuyển biến tích cực; các thành phần, lực lượng như: công nhân, viên chức, nông dân, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, cựu chiến binh... tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đồng bào tôn giáo trên địa bàn huyện gắn bó và đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, luôn đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 23 ở cấp cơ sở. Đồng thời, đề nghị Đoàn khảo sát cần rà soát, nghiên cứu ban hành các cơ chế riêng về phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các huyện miền núi khó khăn; hỗ trợ điều chỉnh tăng mức kinh phí hỗ trợ cho những người thực hiện nhóm nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố, chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Hương Khê nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung trong việc vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kết luận buổi làm việc.
Huyện đã có nhiều chính sách linh hoạt để chăm sóc cho người yếu thế, gia đình chính sách trên địa bàn, thực hiện tốt tinh thần của Nghị quyết số 23.
Hương Khê cũng đã tập trung phát triển kinh tế địa phương, ổn định đời sống Nhân dân như chuyển dịch cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp, phát triển các giống cây đặc sản như cam, bưởi, keo…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, các kiến nghị, đề xuất của cơ sở, Đoàn sẽ tổng hợp nhằm có cái nhìn tổng quan và báo cáo cụ thể với cấp có thẩm quyền nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn đã đến khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 23 tại bản Rào Tre, xã Hương Liên.
Đoàn đã khảo sát thực tế về điều kiện ăn ở, sinh hoạt; tìm hiểu thêm về vấn đề hôn nhân, nguồn gốc huyết thống của bà con đồng bào dân tộc Chứt.
Đoàn khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 23 tại bản Rào Tre...
.... và tìm hiểu thêm vấn đề hôn nhân, nguồn gốc huyết thống của bà con đồng bào dân tộc Chứt.
Bản Rào Tre hiện có 46 hộ đồng bào dân tộc Chứt sinh sống với 156 nhân khẩu. Năm 1995, sau khi được đưa từ rừng sâu về định cư tại xã Hương Liên, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc Chứt có sự thay đổi lớn về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Toàn bản đang có 40 em trong độ tuổi đến trường, trong đó có 22 em học sinh tiểu học, 17 em trung học cơ sở và 1 em trung học phổ thông.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn đã trao nhiều phần quà cho bà con đồng bào dân tộc Chứt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và lãnh đạo tỉnh trao tặng 46 suất quà (mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng) cho bà con dân tộc Chứt.
Đoàn cũng trao 6 nhà đại đoàn kết (mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng) cho các hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hương Liên.